Hàng loạt doanh nhân Việt đang giàu lên một cách rất nhanh chóng và vị trí của họ trên bảng xếp hạng thế giới vươn vượt lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, còn nhiều cái tên có tài sản tỷ USD đang chờ được gọi tên và những người đã được xếp hạng thì tài sản cũng vượt xa những gì Forbes công bố .
Bứt phá tỷ USD
Vài tuần gần đây, tạp chí Forbes liên tiếp có sự điều chỉnh lớn về khối tài sản của những người giàu nhất Việt Nam.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo “kiếm” cả trăm triệu USD/ngày, tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong danh sách những người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản lên tới hơn 7 tỷ USD.
Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa có thêm 100 triệu USD. Tính tới ngày 18/11/2017, ông Vượng có tổng tài sản là 3,9 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng trong tuần giữa tháng 11, cứ 2 ngày khối tài sản của người giàu nhất Việt Nam lại có thêm 100 triệu USD.
Đây là khoảng thời gian mà khối tài sản của ông Vượng, theo tính toán của Forbes, tăng nhanh hơn bao giờ hết. Nếu so với bảng đánh giá hồi tháng 3, tài sản của ông Vượng đã tăng thêm 1,5 tỷ USD.
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng liên tục tăng mạnh trong 2 tuần gần đây. |
Còn theo những số liệu mới nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK), Phạm Nhật Vượng đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu lên tới 5 tỷ USD.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017, ông Phạm Nhật Vượng nắm gần 724 triệu cổ phiếu Vingroup - VIC (tương đơng 27,5% vốn). CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam nắm hơn 880 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 33,4%.
Trong khi đó, ông Vượng đang sở hữu 92,88% CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Như vậy, ông Vượng đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 60% cổ phần tại Vingroup, tương đương với hơn 1,54 tỷ cổ phiếu VIC.
Trong 6 tháng qua, cổ phiếu VIC đã tăng khoảng 50% lên mức cao kỷ lục: gần 70 ngàn đồng/cp. Và nếu tính theo mức giá này, số cổ phần VIC mà ông Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ trị giá khoảng 108 ngàn tỷ đồng (tương đương 4,73 tỷ USD). Nếu tính cả số cổ phiếu vợ ông Vượng đang nắm giữ, vợ chồng ông Vượng có tài sản 5,1 tỷ USD.
Cũng theo Forbes, tính tới hết 18/11/2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tổng tài sản 2 tỷ USD, tăng thêm 200 triệu USD so với vài ngày trước đó.
Không nằm trong bảng xếp hạng của Forbes nhưng ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC và Faros (ROS), cũng có tài sản quy từ cổ phiếu cũng tăng mạnh trong năm 2017 và hiện đã lên tới 59 ngàn tỷ đồng (2,6 tỷ USD).
Ông Bùi Thành Nhơn cùng vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% cổ phần Novaland. Cổ phiếu này lên sàn trong vài ngày cuối cùng năm 2016 và hiện có giá hơn 60 ngàn đồng/cp. Tổng giá trị cổ phiếu nhà ông Nhơn đạt hơn 1 tỷ USD.
Tài sản của bà Thảo theo tính toán của Forbes |
Vươn tầm thế giới
Các tỷ phú Việt có tài sản tăng nhanh trong thời gian gần đây chủ yếu là nhờ kết quả kinh doanh tốt và triển vọng kinh doanh sáng sủa và sự sôi động trở lại của thị trường chứng khoán (TTCK) với chỉ số VN-Index vừa lên mức cao nhất 10 năm và hàng loạt cổ phiếu chủ chốt trên sàn vượt đỉnh lịch sử.
Cổ phiếu VIC của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng gần 80% trong 6 tháng qua, từ mức 40 ngàn đồng/cp lên đỉnh cao lịch sử là 71.400 đồng/cp ghi nhận hôm cuối tuần.
Giá cổ phiếu hãng hàng không Vietjet (VJC) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đang ở mức cao kỷ lục chưa từng có: 120.500 đồng/cp. VJC đã tăng gần 40% chỉ trong 3 tháng vừa qua.
Hàng loạt cổ phiếu của doanh nghiệp Việt đầu ngành trên TTCK cũng lên mức cao kỷ lục như: Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung, ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Vinamilk (VNM), Vietcombank (VCB), Nhà Khang Điền (KDH),...
Với cú bứt phá ngoạn mục kể từ đầu năm, bà Thảo trở thành nữ tỷ phú đô-la duy nhất tại Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng đã vượt đại gia Hoàng Kiều (2,8 tỷ USD) trở thành người Việt giàu nhất thế giới và có thứ hạng cao hơn cả tổng thống Mỹ Donald Trump theo bảng xếp hạng của Forbes. Chỉ riêng 2 tỷ phú này đã nắm khoảng 7 tỷ USD.
Các tỷ phú trẻ ngày đang nổi lên ở Việt Nam |
Các doanh nhân Việt đang giàu lên một cách rất nhanh chóng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở rộng cửa, thị trường chứng khoán tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp tăng trưởng bứt phá.
Vietjet của bà Thảo mới đi vào hoạt động được 5 năm nhưng nhờ hút vốn ngoại và kế hoạch kinh doanh táo bạo, hiện đã chiếm hơn 40% thị phần. Đây được xem là một hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng thần kỳ. Vietjet Air vừa ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing với tổng trị giá 11,3 tỷ USD. Các đây 1 năm, VJC cũng đã ký một hợp đồng mua 100 máy bay với Airbus trị giá hơn 9 tỷ USD.
Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng thì tăng vọt sau khi công bố hàng loạt thông tin đột phá trong chiến lược kinh doanh với nhiều mảng mới như sản xuất ô tô. Đặc biệt, việc đưa cổ phiếu con Vincom Retail (VRE) - DN duy nhất quản lý các sàn bán lẻ tại Việt Nam - lên niêm yết đã giúp cổ phiếu VIC tăng mạnh.
TTCK sôi động và hút dòng tiền nội ngoại cũng là một yếu tố quan trọng khiến các tỷ phú Việt chứng kiến tài sản tăng nhanh.
Trong tuần qua, Jardine Cycle & Carriage (JC&C) của Jardine Matheson Group (Hong Kong) đã chi thêm 400 triệu USD mua cổ phiếu Vinamilk (VNM). Cùng với cú đấu giá mua 3,33% cổ phần hôm 10/11, Jardine Matheson đã chi tổng cộng hơn 1 tỷ USD (8,9%) vào VNM.
Từ đầu năm tới nay, khối ngoại đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam, nâng tổng số vốn rót vào TTCK Việt Nam lên gần 30 tỷ USD.
Trong thời gian tới, danh sách tỷ phú USD người Việt có lẽ còn kéo dài, với một số cái tên tiềm năng như: Trần Bá Dương (Thaco), Lê Viết Lam (Sungroup), Nguyễn Thị Nga (tập đoàn BRG), Trần Thanh Quý (Tân Hiệp Phát), Nguyễn Xuân Trường, Vũ Văn Tiền (Geleximco),...
H. Tú