Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu sôi động trở lại vào cuối năm, sau một thời thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng từ những vụ việc liên quan Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… Nhu cầu vốn vào cuối năm thường cao và thị trường trái phiếu sắp có bước ngoặt quan trọng về chính sách.

Từ đầu năm 2025, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều điểm mới mang tính đột phá. Có nhiều điểm mới về phát hành trái phiếu, tăng cường tính kỷ luật giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Luật có nhiều quy định giúp ngăn chặn rủi ro cho nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư có thêm thông tin và dễ dàng xác định được các doanh nghiệp, tập đoàn có độ an toàn cao. Các tổ chức phát hành sẽ phải tuân thủ các tiêu chí chặt chẽ hơn, như tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ, điều kiện về người đại diện trái chủ và xếp hạng tín nhiệm theo quy định…

Trái phiếu phát hành riêng lẻ được bán cho nhà đầu tư cá nhân nếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp và khi đó trái phiếu phải được xếp hạng và phải được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc có tài sản đảm bảo.

Đây là thời điểm để các tổ chức chuẩn bị kế hoạch hút vốn cho một năm mới ở phía trước, với nhiều thay đổi về chính sách theo hướng tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển. Nền kinh tế được dự báo sẽ khởi sắc hơn.

traiphieudoanhnghiep FiinGroup.gif
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu ấm lên trong thời gian gần đây. Ảnh: FiinGroup

Đại gia bất động sản nhập cuộc mạnh mẽ

CTCP Vinhomes (VHM) thuộc hệ sinh thái Vingroup hôm 13/12 công bố nghị quyết về kế hoạch chào bán tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi với kỳ hạn 36 tháng. Đây là trái phiếu có tài sản đảm bảo. Trước đó, hôm 20/11, Vinhomes đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng.

Vinhomes muốn hút vốn qua trái phiếu sau khi công ty này đã chính thức khép lại chiến dịch mua cổ phiếu quỹ với quy mô lớn chưa từng có trên thị trường chứng khoán, khi chi khoảng 11 nghìn tỷ đồng mua gần 247 triệu cổ phiếu VHM.

Hãng hàng không VietJet (VJC) dự tính phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi để huy động 2.000 tỷ đồng. Trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

Nhiều doanh nghiệp khác gần đây đẩy mạnh phát hành trái phiếu. CTCP Huy Dương Group vừa hoàn tất huy động 900 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 12,5%.

Becamex IDC cũng phát hành thành công 1.080 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 4 năm, có tài sản đảm bảo, lãi 10,7%/năm.  

Trước đó, hồi tháng 9, Bất động sản Trường Lộc huy động hơn 1.900 tỷ đồng từ trái phiếu. Đầu tư và Du lịch Vạn Hương cũng vừa huy động gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng. Đầu tư Nam Long (NLG) cũng đã huy động 1.000 tỷ đồng.

Thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng 11 có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trị giá hơn 24 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế 11 tháng là gần 375.000 tỷ đồng, trong đó có gần 343 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Phần lớn thuộc về nhóm ngân hàng với gần 270.000 tỷ đồng. Nhóm bất động sản chiếm 17% với gần 64.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn từ nhiều kênh, trong đó có trái phiếu, nhằm trước hết là đón đầu thị trường địa ốc ấm lên và tăng giá, dồn vốn cho nhiều dự án đang triển khai như Cổ Loa, Đồi Rồng, đảo tỷ phú Vũ Yên… và các dự án lớn khác.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng dùng tiền để xử lý đợt trái phiếu đáo hạn lớn rơi vào cuối năm nay khi dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bất động sản còn yếu trong 9 tháng đầu năm. Theo phương án phát hành, phần lớn số tiền mà Đầu tư Nam Long vừa huy động từ trái phiếu sẽ được thanh toán gốc và lãi cho 2 lô trái phiếu đáo hạn.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, trong tháng 12, có khoảng 39.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn, trong đó có 7.000 tỷ đồng đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Trong số này có khoảng 16 trái phiếu đến từ 15 doanh nghiệp khác nhau có khả năng sẽ không thể thanh toán đúng hạn và có thể sẽ cần phải dời thời hạn thanh toán theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP. Phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực phát triển bất động sản.

Còn theo VIS Ratings, tổng giá trị trái phiếu chậm trả trên toàn thị trường là khoảng 189.000 tỷ đồng từ tháng 4/2022 đến tháng 11/2024. Nhóm năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất, trong khi nhóm bất động sản nhà ở chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả.