Mới đây, nhiều kênh truyền thông lớn tại Mỹ như Bloomberg, Auto News,... đã đăng tải bài viết mang tựa đề “Người sáng lập VinFast, tỷ phủ Phạm Nhật Vượng không có kế hoạch đầu tư thêm tiền vào nhà sản xuất xe điện này”.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh, VinFast vừa giảm 80 nhân sự tại chi nhánh Bắc Mỹ, trong đó có Rodney Haynes, Giám đốc tài chính của VinFast Mỹ, đồng thời hoãn bàn giao xe 2 lần liên tiếp cho khách hàng tại Mỹ. Bài viết khiến cộng đồng nhà đầu tư cực kỳ quan tâm, khi thời gian chính thức ra mắt công chúng Mỹ và niêm yết trên sàn chứng khoán đang sắp cận kề.
Câu chuyện này được Bloomberg chia sẻ dựa trên cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền của bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành của Tập đoàn VinFast toàn cầu. Bà Thuỷ cho biết, thời gian tới, ông Phạm Nhật Vượng chưa có kế hoạch đầu tư cá nhân thêm vào VinFast.
Theo Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập đoàn Vingroup có khối tài sản ròng lên tới 4,1 tỷ đô la. Năm 2017, Vingroup lấn sân sang lĩnh vực sản xuất ô tô với sự ra đời của VinFast. Tính tới tháng 9/2022, Tập đoàn đã đầu tư khoảng 7,5 tỷ đô la cho quá trình phát triển và lớn mạnh của thương hiệu ô tô “Made in Vietnam”. Khoản vốn đầu tư khổng lồ này bao gồm cả vốn chủ sở hữu và vốn vay.
Năm 2021, VinFast báo cáo tài chính lỗ 1,3 tỷ đô la. Trong 3 quý đầu năm 2022, VinFast tiếp tục thông báo lỗ 1,5 tỷ đô la, theo như hồ sơ được hãng gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ trước IPO. Hồ sơ vào quý cuối cùng của năm 2022 cho thấy, nhà sản xuất xe điện Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu lỗ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong đơn trình lên Ủy ban này, VinFast cho biết, công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính đảm bảo cho hãng xe hơi vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động và ổn định kế hoạch phát triển. Tài liệu trên cũng cho biết, VinFast cần thêm một khoản đầu tư đáng kể, dự kiến từ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn huy động trên thị trường và các khoản tài trợ từ các bên có liên quan.
Theo Vinfast, việc ông chủ của tập đoàn – tỷ phú Phạm Nhật Vượng không có kế họach đầu tư thêm vào công ty là kế hoạch mang tính chất cá nhân, hoàn toàn không ảnh hưởng tới sự kế hoạch phát triển của VinFast.
CEO Lê Thị Thu Thủy cũng nhấn mạnh với Bloomberg rằng, các kế hoạch trong tương lai của công ty, bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất nội địa Mỹ tại Bắc Carolina sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng và vẫn như dự định ban đầu. Hiện nay, vị trí lô đất đã cơ bản hoàn thành xong giải phóng mặt bằng. VinFast đang “hoàn tất các giấy phép để bắt đầu tiến hành xây dựng” và các mẫu xe điện vẫn sẽ được sản xuất thử nghiệm tại nhà máy này từ năm 2024.
Bloomberg cũng nhận định rằng, nếu để việc xây dựng nhà máy bị trì hoãn càng lâu, VinFast sẽ làm chậm trễ cơ hội nhận khoản trợ cấp năng lượng sạch trị giá 7.500 đô la/xe của chính quyền Biden.
Về việc phải lùi thời gian giao xe, CEO Lê Thị Thu Thủy cho biết, nguyên nhân là do VinFast đang chờ chứng nhận EPA từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ về việc tăng phạm vi hoạt động của xe đối với mẫu VF8. Phạm vi quãng đường di chuyển hiện tại của VF8 đang là 207 dặm/lần sạc (tương đương 333 km). Trong thời gian này, VinFast sẽ tiếp tục cập nhật phần mềm để cải thiện trải nghiệm của người dùng.
Hãng xe điện Việt Nam đặt mục tiêu rản xuất 1,1 triệu xe mỗi năm từ năm 2026. Tính riêng quý 4/2022, công ty đã bàn giao hơn 4.900 xe điện cho khách hàng. Điều đó dẫn tới dự đoán về năng lực sản xuất hiện nay của hãng là khoảng 20.000 xe điện mỗi năm.
Bà Lê Thị Thu Thủy cũng cho biết, VinFast đang có gần 70.000 khách hàng đặt trước đang chờ được nhận xe và hãng sẽ cố gắng hoàn thành sản phẩm để giao tới tay người mua trong thời gian sớm nhất.
Hùng Dũng (Theo Bloomberg)