Trong phiên giao dịch 18/2, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng giảm khá mạnh, mất 3.500 đồng xuống còn 104.500 đồng/cp. Đây là phiên giảm thứ 8 trong tổng cộng 10 phiên liên tiếp trên thị trường chứng khoán.
Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu VIC đã giảm khoảng 10%, trong 6 tháng qua cổ phiếu này giảm 16%.
Như vậy, so với đỉnh cao nhất ghi nhận trong tuần cuối tháng 8/2019, vốn hóa của Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đã giảm bốc hơi khoảng 3 tỷ USD, từ mức trên 18 tỷ USD xuống còn 15,2 tỷ USD như hiện tại.
Đợt giảm giá kéo dài của nhóm cổ phiếu Vingroup, bao gồm Vingorup (VIC), Vinhomes (VHC) và Vincom Retail (VRE)... khiến ông Phạm Nhật Vượng rớt khỏi Top 200 người giàu nhất hành tinh hồi giữa tháng 12 năm ngoái và giờ đây ra khỏi top 250.
Theo thống kê mới nhất của Forbes cập nhật ngày 19/2/2020, ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng hiện có khối tài sản trị giá 6,9 tỷ USD, đứng thứ 284 trong bảng xếp hạng những tỷ phú giàu nhất thế giới. Trong lần cập nhật hồi giữa tháng 12/2019, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản là 7,6 tỷ USD, so với mức 8,25 tỷ USD thống kê hồi tháng 8/2019.
Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian khoảng 6 tháng, khối tài sản của ông chủ Vingroup đã giảm khoảng 1,3-1,4 tỷ USD.
Tài sản ông Phạm Nhật Vượng giảm mạnh. |
Gần đây, trao đổi với Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng tiết lộ sẽ chi 2 tỷ USD từ khối tài sản cá nhân của mình, qua dự kiến bán 10% cổ phần tại Vingroup, để nuôi tham vọng bán xe VinFast tại thị trường Mỹ. Hiện ông đang là cổ đông lớn nhất tại VinFast - công ty khởi nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam, với 49% cổ phần nắm giữ. Ông cũng đang nắm 51% cổ phần tại công ty mẹ Vingroup.
Hồi đầu tháng 12/2019, Vingroup của tỷ phú Vượng cũng đã chuyển nhượng cho Masan toàn bộ hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+ thuộc VinCommerce, cùng công ty nông nghiệp VinEco, trong một thương vụ không được tiết lộ về giá trị.
Cổ phiếu VIC giảm còn trong bối cảnh khi gần 14 triệu cổ phiếu VIC hoán đổi SDI sắp được giao dịch. Đây là lượng cổ phiếu Vingroup phát hành để hoán đổi cổ phiếu của Công ty đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng (SDI). Tổng số lượng cổ phiếu VIC sau thay đổi niêm yết đạt hơn 3,38 tỷ cổ phiếu.
Cuối năm ngoái, Vingroup đã tiến hành nhận sáp nhập Công ty đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng theo tỷ lệ 1,1:1 (1,1 cổ phiếu VIC đổi 1 cổ phiếu SDI). Sau hoán đổi, Vingroup thành công ty mẹ nắm giữ 100% vốn Sài Đồng. Trước đó, Sài Đồng là công ty con của Vingroup với tỷ lệ sở hữu 89,5% vốn. Công ty được thành lập 2009, chuyên đầu tư các dự án tại Hà Nội như dự án Vinhomes Riverside, Vinhomes Gardenia, khu công viên hồ điều hòa Mai Dịch, Vinhomes Skylake và khu công viên hồ điều hòa Cầu Giấy.
Tỷ phú Việt chứng kiến túi tiền bốc hơi. |
Biến động giá cổ phiếu trên TTCK phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thời điểm. TTCK Việt Nam nói riêng và thế giới gần đây chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc.
Không chỉ ông Vượng, nhiều tỷ phú khác cũng chứng kiến tài sản giảm mạnh trong đợt suy giảm chung trên thị trường gần đây.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chứng kiến tài sản tụt giảm vài trăm triệu USD do cổ phiếu VietJet (VJC) giảm mạnh vì dịch Covid-19. Tính tới 18/2/2020, tài sản của bà Thảo theo tính toán của Forbes còn 2,4 tỷ USD.
Ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank (TCB) chỉ còn 1,3 tỷ USD. Trong khi ông Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát và ông Nguyễn Đăng Quang (Masan) chưa trở lại danh sách tỷ phú USD.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 19/1 chỉ số VN-Index tăng nhẹ trở lại. Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng diễn biến trái chiều. Vingroup hồi phục, trong khi Vinhomes và Vincom Retail giảm tiếp. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến khá tích cực. Giới đầu tư tiếp tục thận trọng và đánh giá những thiệt hại mà các doanh nghiệp có thể gặp phải do bị gián đoạn với Trung Quốc.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.
Theo Rồng Việt, sau một thời gian đứng vững, thị trường chứng khoán đã có biến động giảm ở những ngày đầu tuần và hầu như do việc các cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh. VDS cho rằng thị trường chứng khoán quay đầu giảm để xác nhận lại vùng đáy trước đó. Do đó các nhà đầu tư cần chủ động và có thể mua vào dần các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc hoặc các cổ phiếu có mức giảm sâu trong hoàn cảnh hiện nay.
V. Hà