Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với dịch vụ được cấp phép là ví điện tử cho VinID của Công ty cổ phần VinID Pay. Đây là một trung gian thanh toán tiền thân là Monpay - đã được doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mua lại.
VinID Pay sẽ kết nối với một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử (được NHNN cấp phép) khi cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán cho các khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng.
CTCP VinID Pay tiền thân là CTCP People Care - đơn vị sở hữu trực tiếp ví điện tử MonPay, được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào tháng 3/2018.
Hồi tháng 5/2019, CTCP VinID Pay đã chính thức trở thành đại diện cho các cổ đông mới của CTCP People Care. VinID là doanh nghiệp được Vingroup thành lập với số vốn 2.400 tỷ đồng, với số thành viên lên tới 4 triệu.
Thương mại điện tử phát triển mạnh tại Việt Nam. |
Như vậy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức bước vào cuộc đua khốc liệt với hơn 20 đối thủ khác trong một lĩnh vực ví điện tử. Hệ sinh thái khổng lồ là cơ sở để Vingroup cạnh tranh với các ông lớn trong khu vực, cũng như Trung Quốc.
Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này rất khốc liệt. Nhiều ông lớn trong khu vực đã đưa ứng dụng ví điện tử vào thị trường Việt Nam như nền tảng thương mại điện tử số 1 tại Việt Nam Shopee với AirPay, hay Grab với Moca. Nhiều cái tên nổi tiếng khác như MoMo, ViettelPay, ZaloPay,... Sắp tới có thể là AliPay đến từ Trung Quốc cũng đang có những dấu hiệu bước vào Việt Nam.
Theo NHNN, tới cuối 2018, cả nước có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Dự báo số người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 10 triệu người vào năm 2020.
Dư địa phát triển được cho là còn rất lớn. Đó có thể là lý do tại sao không chỉ các ngân hàng mà các tập đoàn lớn cũng đổ tiền làm trung gian thanh toán. Với một hệ sinh thái được coi là lớn nhất tại Việt Nam, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể khiến các ngân hàng phải dè chừng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tấn công vào lĩnh vực Ví điện tử. |
Trước đó, trong năm 2018, tập đoàn taxi công nghệ và giờ là dịch vụ đa ngành Grab đã rót vốn vào ví điện tử Moca để phát triển thanh toán thông qua ứng dụng này. Bên cạnh đó là các gương mặt đi trước như: Momo, Bankplus, Mobivi, Vimo, AirPay, ZaloPay, Ví Việt,...
Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng cũng tung ra các áp thanh toán trên di động, từ những ứng dụng đầu tiên như của Vietcombank hay gần nhất là của Agribank.
Cuộc chiến trên thị trường thanh toán tại Việt Nam đang nóng hơn bao giờ hết bởi sự phân mảnh khá rõ. Thị trường được dự báo sẽ dồn lại vào một vài ông lớn có tiềm lực và chiến lược đúng đắn.
Hiện tại, nhiều ví, trong đó có những gương mặt lớn như Momo hay Moca, vẫn đang thực thi chiến lược mạnh tay chi tiền để giành thị phần. Trong một cuộc chơi đốt này tiền này ai là người trụ lại sau cùng hay có những cách thức khác biệt sẽ là người chiến thắng.
Thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 23/9 VN-Index đang tăng nhẹ nhưng phân hóa khá mạnh.
Các cổ phiếu trụ cột tăng giá gồm: Bảo Việt, Vingroup, Sabeco, Vinamilk…
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo Rồng Việt, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn đang hiện hữu khi khả năng vượt 1.000 điểm vẫn còn đang bỏ ngỏ. Hiện tượng phân hóa vẫn tiếp diễn và cơ hội đầu tư vẫn đang xuất hiện trên thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9, VN-Index tăng 6,74 điểm xuống 990,36 điểm; HNX-Index tăng 0,1 điểm lên 104,14 điểm và Upcom-Index tăng 0,3 điểm điểm lên 56,69 điểm. Thanh khoản đạt 5,0 ngàn tỷ đồng.
V. Hà