CTCP Giống cây trồng Trung ương - Vinaseed (NSC), một thành viên của Tập đoàn PAN (PAN) của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng đã đạt được thỏa thuận phân phối gạo ST25 trong hệ thống Vinmart và Vinmart+.

ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới 2019. Tuy nhiên, hiện tượng sản xuất đại trà không đảm bảo chất lượng từ khâu giống, gieo trồng dẫn đến sản phẩm đầu ra không đúng với ST25. Đồng thời, nhiều loại gạo không phải ST25 cũng tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến thương hiệu gạo này.

Phân phối gạo ST25 trong hệ thống Vinmart và Vinmart+ của ông Nguyễn Đăng Quang có lẽ là một quyết định hợp lý của ông Nguyễn Duy Hưng.

Gần đây, rất nhiều doanh nhân Việt mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khoảng 2 năm qua, tỷ phú Trần Bá Dương đã bỏ ra cả tỷ USD để giúp doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) thoát khỏi bãi lầy nợ nần và đầu tư mạnh vào mảng nông nghiệp. Doanh nghiệp của Bầu Đức dồn lực vào trồng cây ăn trái sau khi bỏ địa ốc, thủy điện,... với mục tiêu trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025.

{keywords}
Ông Nguyễn Duy Hưng.

Tỷ phú thép Trần Đình Long năm qua cũng gây ấn tượng mạnh khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. HPG đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu sản lượng trứng gà ở miền Bắc với sản lượng cung ứng hàng trăm nghìn quả trứng mỗi ngày.

Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp đứng đầu về thị phần thép xây dựng nhưng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp từ đầu năm 2015. HPG khởi đầu với mảng chăn nuôi và thức ăn gia súc. Sau đó, công ty này mở rộng hoạt động sang mảng gia cầm.

Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng tính xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại Đầm Hà, Quảng Ninh.

Masan của ông Nguyễn Đăng Quang 2 năm qua khá thành công với thương hiệu thịt mát MeatDeli. Doanh nghiệp của ông Quang quản lý toàn bộ một dây chuyền sản xuất thịt, từ “nông trại đến bán ăn”.

Tập đoàn T&T của Bầu Hiển cũng lặng lẽ bước vào lĩnh vực nông nghiệp và có doanh thu nghìn tỷ từ lĩnh vực này. T&T xuất hiện trong vai trò là cổ đông chiến lược của nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn. Hiện T&T sở hữu chi phối hàng loạt thương hiệu ngành nông nghiệp như Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafoods...

Cơn sốt gạo hồi tháng 4/2020 và đợt tăng giá thịt lợn kéo dài vài năm gần đây cho thấy hướng đi của nhiều đại gia Việt là đúng đắn. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, bài bản,... là xu hướng có lẽ không thể thay đổi.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 6/1, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng và hướng tới ngưỡng 1.135 điểm nhờ sự bứt phá của hầu hết các cổ phiếu lớn nhỏ.

Theo BVSC, VN-Index đã vượt qua vùng kháng cự 1.130 điểm trong phiên giao dịch hôm qua. Tuy nhiên, BVSC vẫn lưu ý về tình trạng quá mua của thị trường đang lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Việc này có thể sẽ tạo ra các phiên rung giật mạnh của thị trường trong quá trình đi lên. Thị trường hôm qua có sự dẫn dắt của các cổ phiếu như VHM, VIC, VRE... Dù dư địa tăng của các cổ phiếu này vẫn nhiều, nhưng trong quá khứ khi nhóm các bluechip không thuộc dòng dẫn dắt có mức tăng mạnh nhất thị trường khi đó thị trường có thể cho thấy dấu hiệu của các phiên, các đợt điều chỉnh ngắn hạn sắp diễn ra.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/1, VN-Index tăng 12,08 điểm lên 1.132,55 điểm; HNX-Index tăng 1,85 điểm lên 208,13 điểm. Upcom-Index tăng 0,23 điểm lên 74,43 điểm. Thanh khoản đạt 18,6 nghìn tỷ đồng.

V. Hà