Với sự chịu khó, ham học hỏi, tìm tòi, Vũ đã là 1 trong những người đầu tiên thuần hóa thành công giống cá lăng đặc hữu, loài cá đặc sản ví như "thủy quái" của sông Đà...

Mô hình nuôi loài cá lăng đặc sản trên thượng nguồn sông Đà của anh Vũ mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, mô hình nuôi cá lăng đặc sản trên sông Đà của anh Vũ đã đem đến cho người dân trong vùng một hướng mới trong phát triển kinh tế đầy hứa hẹn.

{keywords}
 

Anh Lê Văn Vũ (người thứ hai từ trái sang) trú ở thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) giới thiệu về lồng nuôi cá lăng đặc sản trên thượng nguồn sông Đà.

Đến xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) hỏi thăm những người nuôi trồng, đánh bắt tôm cá trên lòng hồ sông Đà ở đây về “Vũ cá” không ai là không biết. 

Chuyện về chàng thanh niên miền biển nhưng đang là người nuôi nhiều cá lăng chấm nhất Việt Nam, với ý chí, nghị lực, tình yêu và cả một giấc mơ lớn lao xuất phát từ loài cá quý hiếm này.

Chúng tôi gặp Vũ tại bến thuyền Mường Mô khi trời Tây Bắc trút mưa nặng hạt. Khác hẳn với những gì hình dung, Vũ xuất hiện với hai bàn chân đất dính bùn, bộ quần áo lao động ngả màu của một nông dân thực thụ. 

Vũ là người quê mãi tận miền biển Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa tới “ven trời Tây Bắc” lập nghiệp. Ngày đầu lên miền thượng nguồn sông Đà, Vũ thử khá nhiều nghề, có lẽ do cơ duyên đưa Vũ đến với nghề buôn cá. 

Mà cá Vũ buôn cũng phải là loại cá đặc biệt, loài được đồng bào nơi đây coi như loài thủy quái – cá lăng sông Đà. 

“Những ngày buôn cá, tôi đã từng mua được những con cá lăng ví như "thủy quái" sông Đà nặng hơn 70 kg, dài hơn cả cái thùng phi. Những con cá lăng "thủy quái" như thế được các nhà hàng coi là cực phẩm, nhưng tiếc là cá trong tự nhiên càng ngày càng hiếm…” 

Vũ kể lại những ngày còn rong ruổi trên chiếc xe máy chạy dọc sông Đà tìm mua cá, chở sang tỉnh Lào Cai bán. Nhưng cá trong tự nhiên càng ngày càng cạn kiệt, Vũ phải bỏ nghề buôn cá, chuyển sang làm lái xe thuê chở hàng lên cửa khẩu U Ma Tu Khoòng. 

Mỗi chuyến hàng từ Pắc Ma (xã Mường Tè) lên đến cửa khẩu được gần 20 triệu đồng. Lái thuê cũng kiếm được, nhưng thu nhập không đều. Hơn nữa sinh ra, lớn lên ở miền biển, con cá, con tôm nó ăn vào tâm trí rồi nên Vũ lại quyết định quay lại với nghề thủy sản nhưng lần này là nuôi trồng. 

Vũ kể về hành trình có được cái danh xưng “vua cá”. Năm 2015, khi lòng hồ thủy điện Lai Châu hình thành, Vũ là một trong những hộ đầu tiên ở huyện Mường Tè “bỏ nhà ra sông” để dựng bè nuôi cá ở khu vực cảng Pô Lếch (thuộc thị trấn Mường Tè). 

Lồng cá đầu tiên Vũ nuôi cũng chính là giống cá lăng sông Đà. Đây là những con cá nhỏ, mua gom được từ đánh bắt tự nhiên, Vũ không nỡ bán nên để nuôi dù lúc đó chưa biết gì về tập tính, thói quen, kỹ thuật nuôi loại cá này. 

Cá lăng sông Đà có chấm hoa dọc thân và chỉ có ở sông Đà, những vùng khác cũng có cá lăng nhưng không phải loại này. Đây là loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao nhưng rất ít người nuôi thành công nên ban đầu Vũ cũng gặp nhiều khó khăn thậm chí là thất bại…

Những ngày đầu nuôi cá lăng sông Đà, Vũ chẳng biết gì về giống cá quý này. Vừa làm vừa học từ chính con cá của mình, nhìn cái tăm cá, xem cách cá đớp mồi, hay đơn giản là theo dõi cái rêu bám trong lưới… mỗi biểu hiện là một bài học đầy ấn tượng đối với Vũ. 

Gửi gắm hết tình yêu vào lòng nước, với từng con cá lăng quý hiếm, cùng với tính chịu thương, chịu khó cuối cùng thì số cá lăng tự nhiên đó cũng lớn dần. 

Năm 2017, Vũ quyết định gom hết tiền bạc, vốn liếng, vay cả anh em, họ hàng được hơn 200 triệu đồng, anh đi tìm mua được một xe ô tô cá lăng giống đem về lồng bè thả. Do không biết nhiều về kỹ thuật, khi thả đúng thời điểm nước bị sục bùn, cá lăng thả xuống cứ ngoi lên mặt nước ngớp khí. 

Tưởng cá lạ nước nhưng chỉ sáng hôm sau ra thăm, cả số cá mới thả và cá lăng đã nuôi thuần chết nổi trắng bè.

“Sau khi cá lăng chết, vốn liếng mất hết, vợ tôi không dám nghĩ đến con đường này nữa. Nhưng tôi vẫn quyết tâm, theo đuổi bằng được mục tiêu mình đã chọn. Tôi đem tài sản thế chấp là căn nhà cả hai vợ chồng gây dựng được hơn một tỷ để đầu tư vào giống cá lăng chấm” Vũ kể lại quãng thời gian khó khăn của mình. 

Sau đó, Vũ đưa lồng bè ra khu vực hồ ở xã Kan Hồ (huyện Mường Tè), rồi lại kéo ra xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) và anh đã thành công.

Để đến được lồng cá của Vũ phải mất gần nửa giờ đi thuyền máy. Giữa lòng hồ, Hợp tác xã Long Vũ của anh Lê Văn Vũ hiện ra như một đảo nổi trên sông. Ở đây Vũ còn khuyến khích, động viên được thêm 3 hộ khác neo bè nuôi cá cùng nhau. 

Họ cũng học Vũ mà nuôi cá lăng chấm vì Vũ cam kết nếu không bán được, anh sẽ mua lại toàn bộ số cá của các hộ. Bè cá của Vũ là lớn nhất. Ở đây, Vũ dựng cả nhà nghỉ cho khách đến tham quan, lắp đặt hệ thống điện mặt trời để có thể kết nối tới mọi miền Tổ quốc qua internet, làm chuồng nổi nuôi thủy cầm, bè nổi trồng rau và trọng tâm là 20 lồng cá chiên, cá ngạnh, nhưng nhiều nhất vẫn là cá lăng đặc sản.

Hiện nay, cá chiên, cá lăng của Vũ nuôi đã đạt từ 2 đến 3kg mỗi con, với giá bán cá lăng đặc sản là 600.000 đồng/kg thì dưới lòng hồ này Vũ có khối tài sản hơn 2 tỷ đồng. 

Để cá lăng nhanh lớn và đảm bảo chất lượng, hàng ngày anh chỉ cho cá ăn bằng tôm tép, cá con đánh bắt được trên lòng hồ sông Đà. Đến nay, Vũ có đến vài tấn cá lăng chấm, trở thành một trong những người nuôi nhiều loài cá đặc biệt này nhiều nhất Việt Nam. 

Khi hỏi về đầu ra cho sản phẩm cá lăng đặc sản, Vũ cười rất tươi: “Chẳng có cá lăng mà bán. Điều tôi mong muốn không phải là hỗ trợ đầu ra mà mong Nhà nước hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để mở rộng thêm quy mô lồng bè lên 100 lồng, để con cá lăng đặc hữu của sông Đà có thương hiệu, tạo được nghề mới, tăng thu nhập cho người dân nơi đây".

Ông Trần Anh Đôn - Chủ tịch UBND xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) khẳng định: Vũ là một thanh niên tâm huyết, dám nghĩ, dám làm. Sự quyết đoán và tình yêu với loài cá lăng sông Đà đã mang lại những thành công cho anh. Trại cá của anh Vũ là một điển hình trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, trở thành mô hình điểm để bà con nơi đây học tập.

Chia tay Vũ khi trời mưa nặng hạt, chúng tôi nhớ mãi cảnh anh bế một con cá lăng to, nâng niu như đứa trẻ. Với sự cần cù chịu khó và tình yêu nghề cá, Vũ đã là một trong những người đầu tiên thuần hóa thành công giống cá lăng đặc hữu một thời được ví như "loài thủy quái" sông Đà, mang lại giá trị cao, nhất là đem đến cho người dân trong vùng một hướng mới trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

(Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu / Dân Việt)