Với diễn biến tiêu cực của cổ phiếu bluechip trong phiên chiều, chỉ số chính VN-Index của thị trường chứng khoán phiên 19/7 đã bị kéo sụt 6,52 điểm, tương ứng 0,66% còn 976,05 điểm. VN30-Index đánh mất tới 8,94 điểm tương ứng 1,02% còn 870,81 điểm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index ngược lại diễn biến tích cực, tăng 0,16 điểm tương ứng 0,15% lên 106,74 điểm và UPCoM-Index cũng đạt tăng 0,37 điểm, tương ứng 0,64% lên 57,42 điểm.
Thống kê cho thấy, trên toàn thị trường có tổng cộng 330 mã cổ phiếu giảm, 29 mã giảm sàn so với 286 tăng và 45 mã tăng trần.
Thanh khoản đạt 139,84 triệu cổ phiếu tương ứng 3.608,35 tỷ đồng trên HSX và 24,93 triệu cổ phiếu tương ứng 395,76 tỷ đồng trên HNX.
Hôm qua, rổ VN30 có tới 24 mã cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ, đáng kể nhất là EIB mất 5,5%; MSN mất 5%; NVL mất 2,9%; DHG mất 2,4%; HPG mất 1,9% và GAS mất 1,6%... Chỉ có 4 cổ phiếu tăng điểm là MWG, MBB, ROS và VCB.
Ông Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản khoảng 1,3 tỷ USD, theo Forbes |
Cổ phiếu MSN của MaSan hôm qua bị bán mạnh, đánh mất 4.000 đồng còn 75.800 đồng/cổ phiếu, vùng giá thấp nhất của mã này kể từ đầu năm.
Trong vòng 1 tuần qua, MSN đánh mất hơn 8% và thiệt hại kể từ đầu tháng 7 đến nay là 11,45% (giảm 9.800 đồng mỗi cổ phiếu). Do đó, diễn biến của MSN vừa rồi có thể do cắt lỗ ngắn hạn của giới đầu tư và đặc biệt là hoạt động bán ra từ khối ngoại (1,17 triệu cổ phiếu).
Tính ra, hôm qua, vốn hoá thị trường MaSan đã bị kéo giảm khoảng 4.676 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT MaSan với sở hữu (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) hơn 252 triệu cổ phiếu MSN đã đánh mất gần 2.500 tỷ đồng trong giá trị tài sản chứng khoán so với thời điểm đầu tháng 7.
Ngược lại, VDSC cho rằng, MWG là mã có diễn biến ấn tượng nhất hôm qua khi có mức tăng tới gần 30% trong 3 tháng (từ 80 nghìn đồng/cổ phiếu lên 103,9 nghìn đồng/cổ phiếu), vượt trội phần còn lại của rổ VN30. Mã này đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 0,3 điểm.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ có giao dịch khả quan hơn khi VNMID-Index và VNSML-Index chỉ giảm lần lượt 0,13% và 0,19%. Một số mã tăng điểm ấn tượng có thể kể tới PHR (tăng 4,7%), PVB (tăng 4,7%), ITD (tăng 4,2%), TNA (tăng 3,9%), D2D, CCL, BWE, CMG ... Có thể thấy các cổ phiếu tích cực được phân bổ khá đồng đều và không quá tập trung vào một nhóm/ngành cụ thể nào
VDSC cho biết, thị trường phiên hôm qua giảm điểm mạnh trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 7/2019. Các cổ phiếu lớn đa phần giảm điểm. Những cổ phiếu tăng điểm hầu hết là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Đây là thời điểm thị trường phân hóa mạnh liên quan tới kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp.
(Theo Dân trí)