Khởi nghiệp bằng tiền dưỡng già của mẹ

Lý Vĩnh Tân (1976) là con út trong gia đình ở Thông Hóa (Cát Lâm, Trung Quốc). Bố mẹ anh làm công nhân viên chức nhà nước, là người trí thức nên họ hiểu tầm quan trọng của giáo dục. Để thoát khỏi cuộc sống khó khăn, dù phải vay tiền bố mẹ vẫn cho Vĩnh Tân đi học. Thấu hiểu nỗi lòng của bố mẹ, từ nhỏ Vĩnh Tân luôn học hành chăm chỉ. 

Lên cấp 3, anh có nguyện vọng thi vào Đại học Bắc Kinh. Tuy nhiên, bố mẹ lại muốn anh theo học trường quân sự để tiết kiệm học phí. Sau nhiều đắn đo, năm 1994, sau khi tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học Vĩnh Tân lựa chọn chuyên ngành Khoa học Chính trị và Quản lý cộng đồng tại Đại học Bắc Kinh. 

Không may đây cũng là thời điểm khủng hoảng kinh tế diễn ra ở Trung Quốc. Do đó, bố anh phải đột ngột nghỉ việc nhà nước ổn định. Lúc này, bố mẹ phải bán mọi thứ để có tiền cho anh đóng học phí và chi phí sinh hoạt cũng phải cắt giảm.

Sau khi vào Đại học Bắc Kinh, khó khăn của anh không phải vấn đề học tập, đó là tìm cách để sinh tồn ở thành phố. May mắn, nhà trường có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo, cháo và súp cung cấp miễn phí cho sinh viên mỗi ngày ở căng tin.

6e5cafc832433d85619a511f187993e9.jpg
Vay tiền dưỡng già của mẹ để khởi nghiệp, sau 20 năm, chàng trai nghèo thành tỷ phú giàu nhất ngành giáo dục ở Trung Quốc. Ảnh: Baidu

Bằng cách này, anh duy trì cuộc sống trong 4 năm đại học. Với thành tích xuất sắc, năm cuối, anh nhận được thông báo là sinh viên duy nhất đủ điều kiện ở lại trường làm giảng viên. Tuy nhiên, đây cũng là vị trí bạn cùng phòng ở cùng ký túc xá của anh đang tranh giành.

Sau nhiều đắn đo, anh quyết định rút lui khỏi vị trí này để giữ lại tình bạn. Từ chối cơ hội ở lại trường, đồng nghĩa với việc sau tốt nghiệp anh phải gia nhập thị trường lao động. 

Năm 1999, Vĩnh Tân tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc. Lúc này, anh được nhiều công ty nổi tiếng mời về làm việc. Ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp trong quá trình học đại học anh xin đi thực tập tại một số công ty để tìm hiểu kinh doanh. 

Sau khi ra trường cơ hội khởi nghiệp đến với Vĩnh Tân, năm 1999, Bộ Giáo dục Trung Quốc mở rộng tuyển sinh, tỷ lệ đỗ đại học tăng lên 40%, khiến số lượng thí sinh đăng ký thi lên đến 1,53 triệu. Điều này đồng nghĩa tương lai sẽ cần nhiều việc làm hơn. Thấy được tiềm năng từ thị trường lao động, Vĩnh Tân mở công ty dịch vụ việc làm cho sinh viên. 

Tuy nhiên, sau một thời gian vì thiếu kinh nghiệm và chi phí đầu tư, cùng những mâu thuẫn định hướng phát triển, tiếng nói của anh tại công ty mất giá trị. Vĩnh Tân quyết định rút vốn đầu tư, khởi nghiệp riêng. 

Năm 2001, anh thành lập công ty Ivory Tower, sử dụng những thủ khoa đầu vào Đại học Bắc Kinh đi diễn thuyết nhiều nơi để truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Thời điểm đó, anh thuê văn phòng gần trường rộng khoảng 6m2.

Mọi thứ tưởng chừng sẽ suôn sẻ, nhưng anh nhanh chóng gặp thất bại. Nguyên nhân do kế hoạch anh đề ra không thể duy trì trong thời gian dài. Triết lý kinh doanh giữa anh và nhà đầu tư không còn tiếng nói chung. 

Dù thất bại nhưng ngọn lửa kinh doanh trong anh vẫn chưa dập tắt. Anh tin kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục không phải là hướng đi sai. Tình cờ, giáo viên cũ nhờ anh dạy kèm một số sinh viên thi công chức. Nhờ đó, Vĩnh Tân nhận ra không có cơ sở hay trung tâm nào ôn thi công chức. 

Anh nghĩ đến việc khởi nghiệp, ý tưởng có sẵn nhưng thiếu vốn đầu tư. Vĩnh Tân về quê vay mẹ tiền dưỡng già 30.000 NDT (102 triệu đồng). Cầm trên tay số tiền mẹ tích góp cả đời, anh hứa: "Con sẽ biến số tiền này thành tiền tỷ".

Tỷ phú giàu nhất ngành giáo dục

Năm 2001, anh thành lập công ty giáo dục Trung Công (Offcn Education). Là người tiên phong đầu tư trong lĩnh vực này danh tiếng của anh nhanh chóng được biết đến. Ngoài việc dạy trực tiếp, anh còn mở lớp đào tạo từ xa.

Năm 2005, anh hợp tác với các trung tâm ở khắp nơi để tuyển sinh. Offcn Education cung cấp giáo viên và tài liệu giảng dạy cho các trung tâm chi nhánh. Sau vài năm, học viên nhiều các trung tâm cạnh tranh nhau. Lúc này, Vĩnh Tân đổi mô hình kinh doanh. 

Anh áp dụng phương thức quản lý trực tiếp, các trung tâm tự thuê địa điểm, tự tìm học viên và lợi nhuận không chia đều. Sau 4 năm kinh doanh mô hình mới, Vĩnh Tân mở rộng quy mô công ty ra hơn 300 chi nhánh trên cả nước. Offcn Education trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc.

1616dddab6a36d54be223587b57875d4.jpeg
Tỷ phú Lý Vĩnh Tân. Ảnh: Baidu

Đến tháng 9/2019, giá trị thị trường của Offcn Education đạt 100 tỷ NDT (340.000 tỷ đồng) và trở thành công ty giáo dục tư nhân lớn thứ ba Trung Quốc. Đồng nghĩa Vĩnh Tân và mẹ trở thành người giàu nhất trong ngành giáo dục tư nhân với tài sản ròng lên tới 60 tỷ NDT (205.000 tỷ đồng).

Năm 2020, gia đình anh xếp thứ 23 trong 'Danh sách 400 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc' với khối tài sản 126,11 tỷ NDT (432.216 tỷ đồng). Năm 2021, gia đình Vĩnh Tân xếp thứ 26 trong 'Danh sách 500 tỷ phú giàu nhất' do tạp chí Fortune công bố với khối tài sản 129,37 tỷ NDT (443.421 tỷ đồng). 

Năm 2022, Vĩnh Tân xếp thứ 851 trong 'Danh sách tỷ phú giàu nhất toàn cầu' do tạp chí Forbes công bố với khối tài sản 3,5 tỷ USD (85.000 tỷ đồng). Hiện tại, ước tính khối tài sản CEO Offcn Education nắm giữ lên đến 94,5 tỷ NDT (323.879 tỷ đồng). Vĩnh Tân trở thành tỷ phú giàu nhất ngành giáo dục ở Trung Quốc.

Trở thành tỷ phú nhưng Vĩnh Tân không quên xuất phát điểm của bản thân. Năm 2018, anh gây xôn xao khi quyên góp 1 tỷ NDT cho Đại học Bắc Kinh (3.400 tỷ đồng). Chia sẻ lý do, nam doanh nhân cho biết: "Nếu không có những bát cháo miễn phí ngày đó, tôi sẽ không có được hôm nay". Mơ ước của CEO Offcn Education có thể quyên góp cho trường 10 tỷ NDT (34.000 tỷ đồng) để giúp đỡ nhiều sinh viên nghèo hơn.

Trước đó, Vĩnh Tân cũng thành lập Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên tại Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc để tặng các khóa học và tài liệu miễn phí ôn thi trị giá hơn 200.000 NDT (680 triệu đồng). Ngoài ra, Vĩnh Tân còn cung cấp các dịch vụ khám miễn phí cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn như một cách đền đáp cho xã hội. Những hoạt động từ thiện giúp đỡ sinh viên nghèo được anh thực hiện thường xuyên.