Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại Lễ phát động Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023, diễn ra tại Hòa Bình ngày 30/9.
Theo Thứ trưởng Thuấn, làm mẹ an toàn là nội dung quan trọng của chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của làm mẹ an toàn là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết các chỉ số về sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà Việt Nam đã đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có tương đương mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Trong hơn 20 năm qua, tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần (từ 39,6 phần nghìn xuống còn 18,9 phần nghìn) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm hơn 2 lần. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm mạnh từ 33,8% (năm 2000) nay còn 11,2%, còn với thể thấp còi giảm từ 29,3% (năm 2010) xuống 19,2%. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi tiếp tục được duy trì ở mức cao trên 90%.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á về tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam đang ở vị trí thứ 4. So với các nước phát triển, Việt Nam đang còn khoảng cách khá xa. Tử vong mẹ ở Nhật Bản 2,8/100.000, ở Pháp 5,7/100.000, Đức 4,6/100.000 trẻ đẻ sống. Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan từ 1 đến 2 phần nghìn.
"Việt Nam hiện nay còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cao gấp 2 đến 3 lần so với vùng thành thị, đồng bằng", ông Thuấn nói.
Tử vong mẹ ở người H’Mông cao gấp hơn 7 lần so với dân tộc Kinh. Các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Nông, Lào Cai có tỷ suất tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi cao nhất hiện nay, gấp 2-3 lần so với trung bình cả nước.
Tuần lễ Làm mẹ an toàn được Bộ Y tế triển khai từ ngày 1-7/10 với chủ đề “Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”, thực hiện tại 51 tỉnh thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
"Tôi mong rằng tất cả phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ, các cán bộ y tế, mỗi người chồng, người cha, người thân trong gia đình, mọi người, hãy quan tâm đến chăm sóc phụ nữ mang thai, chăm sóc trẻ em; tích cực ủng hộ và tham gia Tuần lễ làm mẹ an toàn để nâng cao sức khỏe, góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em ở Việt Nam", ông Thuấn bày tỏ.