Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết trong chương trình đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về triển khai IPv6 và tọa đàm về triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước diễn ra từ 12 - 14/7/2017 tại TP.Đà Nẵng.

Là hoạt động nằm trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2017 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được Bộ TT&TT ban hành ngày 23/3/2017, chương trình nhằm hỗ trợ khối các cơ quan Đảng, Nhà nước triển khai ứng dụng thế hệ địa chỉ IPv6 theo các quy định pháp luật hiện hành và theo lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Ông Thắng cho hay, sau các hoạt động đúng hướng của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia và sự phối hợp của các doanh nghiệp, hiện nay mức độ triển khai IPv6 của Việt Nam đã có những khởi sắc đáng kể. Tính đến tháng 7/2017, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 7%, thời điểm cao nhất lên tới 25% (nguồn APNIC); với hơn 3.500.000 người dùng IPv6 theo thống kê của phòng Lab Cisco. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 6 khu vực châu Á về kết quả triển khai IPv6.

Theo VNNIC, FPT Telecom và VNPT là 2 doanh nghiệp tiêu biểu đã triển khai IPv6 tới khách hàng đầu cuối.

Đại diện VNNIC cũng cho biết, mặc dù tỉ lệ triển khai IPv6 chung của quốc gia có nhiều khởi sắc, tuy nhiên đối với mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tỉ lệ ứng dụng IPv6 còn rất thấp. “Trong bối cảnh IPv6 trở thành giao thức Internet chính trên toàn cầu, việc chậm trễ trong triển khai ứng dụng IPv6 sẽ là điểm hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ công và triển khai ứng dụng Chính phủ điện tử”, đại diện VNNIC chia sẻ.

Với mục tiêu hỗ trợ việc triển khai ứng dụng IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, chương trình tập huấn chuyên sâu về triển khai IPv6 gồm các nội dung thực tiễn về tình hình công nghệ, kỹ thuật triển khai IPv6, chính sách quy định của Nhà nước trong lĩnh vực triển khai IPv6, các hướng dẫn chi tiết về triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ.

Tham gia chương trình tập huấn này, hơn 30 học viên đến từ các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành cũng cũng được tạo điều kiện để trao đổi, thảo luận, đưa ra phương án tối ưu để triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của khối các cơ quan Đảng, Nhà nước; đặc biệt gắn với việc triển khai Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài các nội dung đào tạo do VNNIC thực hiện, với vai trò phụ trách mạng Truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong chương trình tập huấn, Cục Bưu điện Trung ương sẽ hướng dẫn các học viên cách thức triển khai IPv6 trên nền mạng chuyên dùng.

Chương trình tập huấn là sự kết nối, hỗ trợ của Ban Công tác với các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành, từ đó, tạo đà triển khai ứng dụng công nghệ IPv6 trong khối cơ quan Đảng, Nhà nước theo đúng mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Bên cạnh việc phổ biến triển khai ứng dụng IPv6, trong khuôn khổ sự kiện tại Đà Nẵng, VNNIC cũng phổ biến nội dung về ý nghĩa, lợi ích của việc triển khai DNSSEC trong khối các cơ quan Đảng, Nhà nước.

VNNIC cho hay, trước tình hình phát triển mạnh mẽ của Internet, cũng như hiện trạng an ninh mạng có nhiều biến động phức tạp, tiềm ẩn các mối nguy cơ về an toàn an ninh, từ tháng 10/2014, Bộ TT&TT đã có quyết định phê duyệt Đề án triển khai tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) “.VN”, trong đó xác định rõ mục tiêu, phạm vi, nội dung, lộ trình triển khai DNSSEC tại Việt Nam với 3 giai đoạn chính.

Theo đó, trong thời gian qua, VNNIC đã hoàn thành 2 giai đoạn chuẩn bị và khởi động trong các năm 2015 và 2016, đánh dấu bằng việc chính thức triển khai áp dụng tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống DNS quốc gia “.VN”, kết nối liên thông với hệ thống DNS ROOT của quốc tế để tạo ra chuỗi xác thực tin cậy, là cơ sở để tiếp tục triển khai DNSSEC cho các tên miền quốc gia cấp thấp hơn.

Trong năm nay, VNNIC dự kiến tiếp tục chủ trì, phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam hoàn thành triển khai DNSSEC theo lộ trình kế hoạch đã được phê duyệt; đặc biệt là việc triển khai DNSSEC tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, các nhà đăng ký tên miền “.VN”, các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn DNSSEC trong triển khai Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đại diện VNNIC cho rằng: “Với việc quy định bắt buộc triển khai DNSSEC cho các tên miền quốc gia “gov.vn”, các cơ quan Đảng, Nhà nước nên bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và lên kế hoạch triển khai chi tiết cho hệ thống tên miền cũng như cho các tên miền quốc gia “.VN” do mình quản lý. Qua đó, chính thức triển khai hệ thống DNS theo tiêu chuẩn DNSSEC và cung cấp dịch vụ sử dụng, truy vấn tên miền “.VN” theo tiêu chuẩn DNSSEC cho người sử dụng Internet tại Việt Nam”.