Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội cho biết chiến lược phát triển của Học viện đã được phê duyệt đề ra mục tiêu tới năm 2020 phấn đấu đào tạo từ 450 – 500 chỉ tiêu nghiên cứu sinh mỗi năm.

350 chỉ tiêu/ năm là mức dưới trung bình

Sáng ngày 22/4, tại cuộc họp báo giải đáp thông tin "lò sản xuất tiến sĩ" đang gây xôn xao dư luận, GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội), cho biết hiện nay Học viện có 20 khoa, đào tạo tiến sĩ ở 36 ngành.

{keywords}
Ông Võ Khánh Vinh

Hàng năm, Học viện xây dựng và được Bộ GD-ĐT thông qua 350 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, chia cho các ngành chỉ 10 chỉ tiêu tiến sĩ mỗi ngành. Một số ngành rất quan trọng cũng chỉ có số lượng chỉ tiêu ít ỏi.

Theo ông Vinh, số ứng viên ứng tuyển thường gấp đôi so với chỉ tiêu. Số lượng ứng viên dôi dư giúp Học viện có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất.

Về điều kiện giảng viên, ông Vinh cho biết hiện cơ sở có 412 giảng viên cơ hữu, trong đó có 19 giáo sư, 175 phó giáo sư, còn lại là tiến sĩ. Học viện cũng huy động giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên ở các trường trên cả nước tham gia giảng dạy, nâng tổng số người tham gia giảng dạy tại học viện lên khoảng 2.000.

"Chiếu theo quy định và so với khả năng hiện có, chúng tôi có thể đào tạo số lượng nghiên cứu sinh nhiều hơn. 350 chỉ tiêu cho học viện như vậy ở tầm dưới trung bình. Tuy nhiên, có năm chúng tôi không tuyển hết để đảm bảo chất lượng".

Theo ông Vinh, trong chiến lược phát triển học viện tới năm 2020 đã được phê duyệt, nếu số lượng ngành vẫn không thay đổi thì phấn đấu chỉ tiêu ở mức 450 – 500 mới đủ tầm ổn định để phát triển tiếp ở tầm cao hơn.

“Không có số lượng không phát triển về chất lượng. Có số lượng mới có thể sàng lọc. Có số lượng mới đủ kinh phí để trang trải, phát triển”.

Quy trình chặt chẽ, đề tài không xa vời

Cả lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện khoa học xã hội đều đặc biệt nhấn mạnh về điều này.

Ông Vinh khẳng định quy trình đào tạo rất chặt chẽ đối với ứng viên từ khi tham gia ứng tuyển đến khi trúng tuyển. “Quy trình có 8 bước. Những nghiên cứu sinh không làm đúng quy trình, không đúng thời hạn sẽ bị gửi về cơ quan, và nếu học lại phải đúng 3 năm. Việc thực hiện quy trình này là thành công của Học viện”.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Hiệp

Theo thống kê của Học viện, khi mới hợp nhất học viện chỉ có 286 nghiên cứu sinh. Còn hiện nay, tổng số lượng đào tạo nghiên cứu sinh 3 năm là hơn 1.000. Trong đó, 70% bảo vệ đúng hạn, 10% bị trả về và không quay trở lại khoảng 10%, khoảng 20% bảo vệ quá hạn.

Trong 784 tiến sĩ đã bảo vệ 3 năm qua, số người làm công tác nghiên cứu trong Viện hàn lâm chiếm 10%. Giảng viên ở các trường đại học chiếm tỷ lệ lớn. Số tiến sĩ còn lại là cán bộ làm công tác hoạch định tư vấn chính sách cấp bộ, ngành, cán bộ khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) được gửi đi học.

Cũng theo ông Vinh, hiện nay tiến sĩ tập trung vào 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, miền Trung và miền Tây rất ít tiến sĩ. “Chúng tôi rất mừng là hiện nay số ứng viên xét tuyển làm tiến sĩ ở miền Trung đã về học viện rất nhiều”.

Về đề tài luận án tiến sĩ, ông Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý học nhận xét rằng trong suy nghĩ của nhiều người luận án tiến sĩ phải to tát, hoành tráng.

“Hoàn toàn không phải vậy. Tôi được đào tạo nước ngoài về, đi 20 nước, đã tới hàng chục trường ĐH, ở các nước phát triển những vấn đề nghiên cứu hết sức cụ thể, hết sức thực tiễn, cụ thể. Ví dụ có những đề tài nghiên cứu về hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường… Nếu ở VN sẽ nói rằng, đề tài đó có gì mà nghiên cứu, sẽ thành vớ vẩn, nhưng ở nước ngoài được đánh giá có tính thực tiễn, có giá trị văn hóa”.

Ông Dũng cho biết các đề tài nghiên cứu của Học viện nói chung xuất phát từ yêu cầu gắn thực tiễn… Viện Hàn lâm đào tạo gắn liền với nghiên cứu và nghiên cứu gắn liền với đào tạo.Viện Tâm lý học đi theo đường đó, nên đề tài rất gắn với thực tiễn, rất thiết thực, không có đề tài nào mông lung xa vời.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cũng cho biết đề tài nghiên cứu tiến sĩ của Việt Nam là phù hợp với xu hướng thế giới. Ông Hiệp đưa ví dụ về những đề tài nghiên cứu hành vi ngôn ngữ. “Đây là một trụ cột của ngôn ngữ học. Ngôn ngữ nhiều hành vi lắm. tôi đã hướng dẫn thành công luận án về hành vi cầu khiến, hành vi bác bỏ… Người ta còn nghiên cứu về hành vi khen, hành vi từ chối… Có hàng trăm luận án như vậy và có thể kiểm chứng dễ dàng. Và ở Việt Nam, nghiên cứu hành vi ninh hay trì hoãn, từ chối… phù hợp với xu hướng chung của thế giới, không có gì là xa lạ cả”.

Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ

Trả lời câu hỏi với tốc độ đào tạo tiến sĩ như hiện tại, liệu Việt Nam có tiến tới phổ cập tiến sĩ, ông Vũ Dũng đưa ra một ví dụ là khi sang ĐH Tokyo (Nhật Bản) làm việc, ông thấy họ thiếu một giảng viên, nhưng đang có 20 tiến sĩ đăng ký ứng tuyển. "Ở Việt Nam có chuyện này không, hay khi một trường tuyển giảng viên chỉ có vài ba tiến sĩ đăng ký? Chỉ một chuyện như vậy để thấy chúng ta nhiều hay ít tiến sĩ so với thế giới".

{keywords}
Ông Vũ Dũng

Còn ông Vinh thì khẳng định luôn hiện nay Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ.

"Số lượng tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục chiếm tỷ lệ thấp, và không phải ngẫu nhiên Bộ GD-ĐT và các trường đang tăng cường đào tạo TS ở cả trong và ngoài nước. Không thể nhìn số lượng 350 chỉ tiêu hàng năm rồi cho là lớn, mà phải thấy rằng so với số lượng hơn 90 triệu dân thì tỷ lệ tiến sĩ của chúng ta là quá thấp trong khu vực", ông nói.

Trước băn khoăn về đầu ra của các tiến sĩ đào tạo tại Học viện, ông Vinh cho rằng ở học viện gần như 100% cán bộ đi học đều đang giữ chức vụ trong nhà trường, cơ sở nghiên cứu, trong quản lý.

“Đầu ra của họ đã có. Nhưng cái hay là việc đi học nâng cao chất lượng, tầm nhìn cách tiếp cận của họ. Đang làm lãnh đạo, nghiên cứu hay giảng dạy đều tốt lên, giải quyết công việc thực tiễn tốt hơn.

“Một số cấn bộ địa phương đã lên được phó chủ tịch chia sẻ rằng từ khi đi học về tầm nhìn, cách lãnh đạo quản lý có khác. Những điều học được từ chương trình đào tạo tiến sĩ đã thấm vào khác với khi học khi chưa đi làm. Đó là độ thấm tự nhiên, có tác động thực tiễn”.

Ít bài báo quốc tế vì chưa thống kê đủ

Một nhóm nghiên cứu sinh truy xuất dữ liệu từ trang Web of Science, thì trong năm 2015 số lượng bài báo ISI trong lĩnh vực khoa học và xã hội và nhân văn do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN công bố là 3 bài, chiếm 1,15% tổng số bài báo ISI trong cùng lĩnh vực của VN.

Trước băn khoăn về chất lượng nghiên cứu của Viện hàn lâm khoa học xã hội như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo tiến sĩ, GS.TS Trần Thị An cho biết đã có một thống kê có lẽ là chưa đầy đủ lắm. Theo đó, trong 5 năm, từ 2011 đến 2015, Học viện có khoảng 400 xuất bản phẩm quốc tế. Trong số đó, có một số được xếp vào ISI và một số ấn bản khác thì không.

{keywords}

Bà Trần Thị An, Trưởng ban quản lý khoa học. Ảnh: Lê Văn

Giải thích thêm về điều này, ông Vũ Dũng cho biết Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cũng thấy được khó khăn của ngành khoa học xã hội nhân văn trong việc công bố quốc tế. “Bởi vì với khoa học tự nhiên công bố quốc tế đơn giản, nhưng khoa học xã hội việc công bố cần cân nhắc có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hay không. Ví dụ như các ngành an ninh, quân sự, dân tộc học, tôn giáo, kể cả tâm lý học hay khảo cổ học, việc công bố quốc tế đều phải tính đến làm sao đảm bảo tính khoa học nhưng không ảnh hưởng lợi ích quốc gia.

Phải đăng bài báo như thế nào để hòa nhập với quốc tế nhưng không ảnh hưởng lợi ích chung. Đó cũng là nguyên nhân tại sao khoa học xã hội ít bài báo quốc tế hơn khoa học tự nhiên” – ông Dũng lý giải.

"Tôi làm chủ nhiệm 3-4 đề tài cấp nhà nước nghiên cứu về dân tộc ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, có số liệu rất hay nhưng không đăng bài báo quốc tế nào, vì đăng thì không có lợi cho quốc gia", GS Vũ Dũng cho biết thêm.

Còn GS Võ Khánh Vinh khẳng định đây chỉ là một trong số chỉ tiêu để đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu. Dẫu vậy, D Học viện có ý tưởng tới đây tìm các nguồn lực lập quỹ hợp pháp đầu tư cho nghiên cứu sinh giỏi, có bài đăng ở tạp chí nước ngoài. Ông cho biết thêm, ở Việt Nam đăng bài báo thì có tiền nhuận bút, còn ở nước ngoài muốn đăng phải nộp tiền.

Theo quan niệm của ông Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nếu đầu tư 100 triệu để đăng bài báo quốc tế thì nên dành cho những đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn.

  • Ngân Anh - Lê Văn