Trong năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo; đến cuối năm 2024 dự kiến có 18/54 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Trong đó, 9/54 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 01 xã sát nhập địa giới hành chính (xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch); 8 xã đang hoàn thiện hồ sơ công nhận, đạt 33,33%, vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (đến cuối năm 2025 có 30% số xã thoát khỏi tình trạng đặc khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo).

Trong giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện. Ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hiện nay, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo còn thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định. Những trường hợp này cũng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm.