Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Nhờ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020; Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo.
Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Chung tay giảm nghèo bền vững |
Báo cáo Sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 cũng cho hay: Sau năm năm triển khai Chỉ thị số 40, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội; an ninh chính trị, quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho hay, nhờ thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 nên số hộ dân tộc thiểu số (DTTS) được vay vốn từ NHCSXH ngày càng tăng. Hiện đồng bào DTTS chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ dư nợ tại NHCSXH chiếm 24,8% tổng dư nợ; toàn quốc có 3,04 triệu hộ DTTS, đã có 1,4 triệu hộ vay vốn NHCSXH, chiếm 46%; dư nợ bình quân một hộ là 38 triệu đồng.
“Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý vốn và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp thực tiễn nước ta; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết.
Định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 trong thời gian tới, ông Trần Quốc Vượng Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo, cần tiếp tục tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống NHCSXH; nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi tín dụng đen. Đồng thời đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại hội nghị cùng với kết quả sơ kết để đề xuất, kiến nghị Ban Bí thư ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ. Trong đó cần nghiên cứu, đề xuất, bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi cũng như nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.
Phát biểu tiếp thu và bế mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng ghi nhận, tiếp thu những ý kiến phát biểu và đưa vào chương trình hành động trong việc triển khai Chỉ thị số 40 trong thời gian tới.
Cụ thể, Hội đồng quản trị NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương các cấp và chỉ đạo toàn hệ thống NHCSXH triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư tốt hơn nữa, nhằm tập hợp nguồn lực của cả cộng đồng và hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển đất nước.
Kiều Oanh
Ảnh: Xuân An