Giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội luôn được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng và thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ.
Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết. 63 tỉnh, thành phố chủ động ban hành bổ sung nhiều chính sách đặc thù lĩnh vực giảm nghèo trên địa bàn để hỗ trợ người nghèo.
Nhận được sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của Đảng, Nhà nước, nhiều tỉnh trên cả nước đã triển khai hàng loạt giải pháp, chương trình nhằm giúp người dân khó khăn tìm hướng thoát nghèo.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, việc cấp ủy, chính quyền và các cấp, ngành đồng hành cùng đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực miền núi, biên giới, hải đảo trong lao động, sản xuất và tìm cách phát huy tập quán văn hóa, thế mạnh địa phương để phát triển các mô hình sinh kế phù hợp đã từng bước giúp người dân vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ làm giàu.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên 8.331,24 km2, dân số 731.887 người, có 7 dân tộc cùng sinh sống; trong đó dân tộc Tày chiếm 35,92%; dân tộc Nùng chiếm 42,97%, dân tộc Kinh chiếm 16,50%, còn lại các dân tộc khác như: dân tộc Dao, Mông, Hoa, Sán Chay. Lạng Sơn có 10 huyện và 01 thành phố, với 226 xã, phường, thị, trấn; trong đó có 61 xã đặc biệt khó khăn được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ.
Theo số liệu điều tra của tỉnh Lạng Sơn, vào thời điểm cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm tới 29,07% (tương đương 44.000 hộ), tập trung ở 61 xã thuộc diện ĐBKK. Trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, vốn đầu tư cho miền núi chủ yếu trông chờ vào ngân sách... khiến cho suốt một thời gian dài triển khai các chính sách xóa đói giảm nghèo (XĐGN), khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi ở Lạng Sơn chưa thu hẹp được.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình, mục tiêu xoá đói giảm nghèo, sau nhiều đợt khảo sát thực tế, cuối năm 2005, Lạng Sơn quyết định ra những Nghị quyết chuyên đề và những kế hoạch cụ thể về chương trình xoá đói giảm nghèo cho từng giai đoạn, trọng tâm là thực hiện tốt các chính sách an sinh. Trên tinh thần đó, tỉnh thay đổi phương pháp chỉ đạo, điều hành thông qua kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho miền núi cùng với nguồn lực của địa phương, tập trung vốn hoàn thành dứt điểm từng dự án, cuốn chiếu theo địa bàn nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không đồng bộ, kéo dài thời gian, hạng mục sau vừa làm xong thì hạng mục trước đã hư hỏng, xuống cấp...
Theo đó, Tỉnh ủy Lạng Sơn chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện XĐGN bằng cách phân công các thành viên trong cấp ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc ở từng cụm xã. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, cho mỗi đơn vị. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện chương trình XĐGN theo “thế mạnh” của mình. Ví dụ Hội Phụ nữ phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông mở các lớp bồi dưỡng chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức các nhóm trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kết hợp với việc tuyên truyền về công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, giáo dục trẻ em cho chị em phụ nữ. Hội Nông dân tăng cường vận động hội viên phát triển kinh tế gia đình, đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi mùa vụ cơ cấu cây trồng. Uỷ ban MTTQ và các phường, xã tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp tiền của, vật chất để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, giếng nước sạch, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát...
Đến nay, chương trình XĐGN của tỉnh Lạng Sơn đã đi vào chiều sâu và thu được kết quả khả quan với gần 18.000 hộ thoát khỏi ngưỡng đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo đến nay (tiêu chí cũ) xuống còn 17,85%. Bộ mặt vùng nông thôn miền núi đã thay đổi rõ rệt. điện-đường-trường-trạm đều đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh.
Thành tựu giảm nghèo nhanh nhờ thực hiện tốt các chính sách an sinh của Lạng Sơn cũng là thành tựu của nhiều tỉnh thành trong cả nước tạo ra dấu mốc quan trọng với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Thu nhập bình quân của người nghèo đến cuối năm 2019 đã tăng 1,6 lần so với trước đó. 32 huyện nghèo và 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao và đáp ứng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra gồm tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0-1,5%/năm.
Trần Thường, Đoàn Bổng và nhóm PV