Vừa qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp để đánh giá tình hình công tác 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk đưa tin về cuộc họp, các đại biểu đã được nghe thông báo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, đồng thời nghe Báo cáo kết quả triển khai thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2019.
Vừa qua chiều ngày 6/8, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp để đánh giá tình hình công tác 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2019. Nguồn ảnh: daklak.gov.vn. |
Theo đó 7 tháng đầu năm 2019, việc triển khai, xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk đã đạt một số kết quả. UBND tỉnh Đắk Lắk và các Sở, ngành liên quan đã chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản để triển khai nhiệm vụ về xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh.
Hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia được triển khai đồng bộ ở Đắk Lắk; tỷ lệ máy tính trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện đạt tỷ lệ 100%; 100% cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã có hệ thống mạng nội bộ; 100% cơ quan Nhà nước có kết nối Internet băng thông rộng.
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh hiện có 84 cơ quan, đơn vị sử dụng. Trong đó có 44.000 tài khoản thư điện tử công vụ của cán bộ, công chức, viên chức sử dụng trao đổi thông tin trong công việc; 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý kế toán tài chính; 19/19 Sở, ban, ngành và 15/15 UBND cấp huyện có Cổng, Trang thông tin điện tử.
Về triển khai, Đắk Lắk sử dụng Hệ thống dịch vụ hành chính công tích hợp Một cửa điện tử liên thông (iGate) cung cấp 1.687 dịch vụ công trực tuyến, trong đó gồm 678 dịch vụ công trực tuyến mức 2, 738 dịch vụ công trực tuyến mức 3 (43,75%) và 271 dịch vụ công trực tuyến mức 4 (16,06%).
Từ đầu năm 2019 đến nay, Hệ thống iGate tiếp nhận 156.815 hồ sơ, đã giải quyết 151.170 hồ sơ theo cơ chế Một Cửa điện tử liên thông; có 5.083 hồ sơ được nộp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 chiếm tỷ lệ 3,24%, 3.824 hồ sơ được nộp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 4 chiếm tỷ lệ 2,44%.
Trong cuộc họp, các đại biểu đã phân tích một số hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hiện nay còn nhiều bất cập, như khoảng 30% máy tính đã được trang bị từ lâu, đã hết hạn khấu hao, xuống cấp chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp của cán bộ, công chức và yêu cầu triển khai các ứng dụng phục vụ công tác quản lý.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, kết quả xây dựng chính quyền điện tử bước đầu đã có những bước tiến nhất định, cơ sở hạ tầng, phần mềm quản lý, chữ ký số áp dụng hầu hết lĩnh vực, địa bàn.
Thời gian tới, xác định lộ trình hoàn thiện chính quyền điện tử là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, các thành viên Ban Chỉ đạo cần bám sát 5 mục tiêu xuyên suốt mà Chính phủ đã đề ra như: thông tin dịch vụ mọi lúc mọi nơi, giảm chi phí, chuẩn quốc gia, phát huy hiệu quả, công khai minh bạch.
Từ năm 2017, Đắk Lắk đã đề nghị Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin cho vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Đắk Lắk cũng đề nghị ưu tiên phát triển nguồn lực cho vùng Tây Nguyên để triển khai phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao.