Tỷ giá ngoại tệ ngày 27/7 diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế biến động mạnh và rồi tụt giảm sau khi giới đầu tư lờ mờ nhận được tín hiệu về đường đi của lãi suất trong thời gian tới.

Ngày 27/7 Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 22.430 đồng (giảm 3 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.725 đồng và bán ra ở mức 23.086 đồng (tăng 4 đồng).

Đầu giờ sáng 27/7, hầu hết các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay không đổi so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.695 đồng (mua) và 22.765 đồng (bán).

Vietcombank và Vietinbank niêm yết giá USD ở mức: 22.695 đồng (mua) và 22.765 đồng (bán). ACB và BIDV: 22.700 đồng (mua) và 22.770 đồng (bán). Techcombank niêm yết giá USD ở mức: 22.680 đồng (mua) và 22.775 đồng (bán).

Đầu phiên giao dịch ngày 27/7 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm xuống mức 93,48 điểm.

USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1731 USD; 111,00 yen đổi 1 USD và 1,3117 USD đổi 1 bảng Anh.

{keywords}
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay: USD biến động mạnh.

Đêm qua, đồng USD trên thị trường quốc tế biến động mạnh rồi tụt giảm do giới đầu tư đã lờ mờ nhận ra tín hiệu về đường đi của lãi suất trong thời gian tới.

Cuộc họp 2 ngày của Ủy ban thị trường mở (FOMC) đã đưa ra quyết định không thay đổi lãi suất. Và điều quan trọng hơn là, Fed đã không nêu đích xác thời điểm bắt đầu quá trình tháo gỡ số dư trên bảng cân đối kế toán vào tháng 9/2017.

Điều này có nghĩa, là một sai lầm thập kỷ có thể đã không xảy ra. Kết quả của cuộc họp ngay lập tức nhấn chìm đồng USD và kéo vàng đi lên.

Trước đó, giới đầu tư rơi vào tình trạng mất phương hướng ở vào một thời điểm rất quan trọng, có thể dẫn đến một sai lầm chu kỳ 2 thập kỷ.

Thị trường tài chính Mỹ chao đảo mạnh là do giới đầu tư lo ngại một cuộc khủng hoảng trái phiếu có thể xảy ra giống như cách đây hơn hai chục năm, hồi năm 1994.

Thời điểm hiện tại, gần 10 năm sau khi Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng năm 2008, là rất quan trọng đối với thị trường tài chính nước này cũng như thế giới. Sau nhiều năm áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế, giời đây một công việc bắt buộc phải làm là trả lại sự cân bằng cho thị trường, thắt chặt chính sách tiền tệ.

Fed đã có 3 lần tăng lãi suất, mỗi lần 25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, các tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn chưa thực sự hồi phục. Lạm phát lại đang xa rời mục điều 2%. Nếu thắt chặt vào thời điểm này, nền kinh tế Mỹ có thể lại gặp khó khăn. Một bước đi sai lầm có thể phá tan những thành quả đã đạt được trước đó, bao gồm một TTCK tăng 8 năm liên tiếp. Thậm chí có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng trái phiếu.

Hiện tại, Mỹ đang phải tính toán cách xử lý đối với 4,5 ngàn tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, chủ yếu là dưới dạng trái phiếu mà họ đã mua vào để kích thích nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng. Nếu Fed bán ra và thu tiền về, liệu nền kinh tế có mất đà tăng trưởng?

Đây có lẽ là lý do mà gần đây Chủ tịch Fed Janet Yellen và một số đại diện đang tỏ ra thận trọng hơn.

Trên thị trường trong nước phiên 26/7 tỷ giá USD/VND ở đa số các ngân không đổi phổ biến ở mức: 22.695 đồng/USD và 22.765 đồng/USD.

Tới cuối phiên 26/7, Vietcombank và Vietinbank niêm yết giá USD ở mức: 22.695 đồng (mua) và 22.765 đồng (bán). BIDV, ACBvà DongABank: 22.700 đồng (mua) và 22.770 đồng (bán). Techcombank: 22.680 đồng (mua) và 22.775 đồng (bán).

Tính từ đầu tháng 6, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 20-25 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Giá USD trên thị trường chợ đen đứng ở mức: 22.760 - 22.780 đồng/USD.

Chốt phiên giao dịch 26/7, tỷ giá Euro đứng ở mức: 26.308 đồng (mua) và 26.649 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 29.277 đồng (mua) và 29.746 (bán). Tỷ giá yên Nhật ở mức 200,2 đồng và bán ra ở mức 204,0 đồng.

V. Minh