Tỷ giá ngoại tệ ngày 19/10 diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng do Fed diều hâu và Mỹ nhẹ tay với Trung Quốc, trong khi euro và bảng Anh tụt giảm.
Donald Trump liên tục đe dọa, ông lớn tháo chạy khỏi Trung Quốc
Ngày 19/10 Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 22.719 đồng (tăng 2 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.700 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.349 đồng (tăng 3 đồng).
Đầu giờ sáng 19/10, đa số các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay không đổi so với cuối phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.295 đồng (mua) và 23.375 đồng (bán).
BIDV và Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.295 đồng (mua) và 23.375 đồng (bán). Vietinbank: 23.297 đồng (mua) và 23.377 đồng (bán). ACB: 23.310 đồng (mua) và 23.390 đồng (bán).
Đầu phiên giao dịch ngày 19/10 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 95,69 điểm.
USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1496 USD; 112,61 yen đổi 1 USD và 1,3096 USD đổi 1 bảng Anh.
Đêm qua, đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng mạnh sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kiên định với chính sách thắt chặt lãi suất, Mỹ không mạnh tay với Trung Quốc trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Anh không đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán về Brexit.
Đồng USD tăng giá. |
Đồng USD có xu hướng tăng tiếp là do trong biên biển cuộc họp vừa được công bố Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có quan điểm diều hâu đối với vấn đề lãi suất, trái với mong đợi của tổng thống Donald Trump.
Trong biên bản cuộc họp của Fed, hầu hết các thành viên trong ban hoạch định chính sách của Fed đều không thay đổi nhiều đánh giá về triển vọng kinh tế Mỹ, thậm chí một số ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tăng tốc.
Biên bản cho thấy, Fed quyết tâm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Thông tin này ngay lập tức khiến đồng USD mạnh trở lại.
Đồng USD tăng giá còn do Bộ Tài chính Mỹ đã không gán nhãn phá giá đồng tiền Nhân dân tệ đối với Trung Quốc trong báo cáo đánh giá giữa kỳ. Đồng Nhân dân tệ được đà giảm nhanh và khiến đồng USD tăng giá.
Cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh về lộ trình Anh rời khỏi EU (Brexit) hôm 18/10 đã thất bại. Nó khiến cả đồng euro và bảng Anh tụt giảm.
Ở chiều ngược lại, giới đầu tư nhìn thấy đằng sau sự đồng thuận của Fed vẫn có những lo ngại và tính toán về triển vọng kinh tế Mỹ.
Một số nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn tỏ ra thận trọng về những nguy cơ tiềm tàng đe dọa nền kinh tế thế giới. Theo đó, nếu đồng USD mạnh lên, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn. Đồng USD mạnh lên cũng khiến nền kinh tế tại các nước mới nổi có thể dễ dàng trở nên bất ổn và một cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Biên bản Fed cũng gợi ý rằng việc thắt chặt vẫn có thể phải tạm dừng nếu căng thẳng thương mại của Mỹ với các đối tác tiếp tục leo thang. Nó có nghĩa rằng, Fed có thể sẽ thận trọng hơn, đo đếm những ảnh hưởng từ những chính sách của ông Trump để điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình.
Trên thị trường trong nước phiên ngày 18/10, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng gần như không đổi so với phiên liền trước, phổ biến ở mức: 23.295 đồng/USD và 23.375 đồng/USD.
Tới cuối phiên 18/10, Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.295 đồng/USD và 23.375 đồng/USD. ACB: 23.310 đồng/USD và 23.390 đồng/USD. Vietinbank: 23.296 đồng/USD và 23.376 đồng/USD.
Tính từ đầu năm, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 580-595 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Giá USD trên thị trường chợ đen đứng ở mức: 23.435 - 23.455 đồng/USD.
Chốt phiên giao dịch 18/10, tỷ giá Euro đứng ở mức: 26.638 đồng (mua) và 26.956 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 30.227 đồng (mua) và 30.710 (bán). Tỷ giá yên Nhật ở mức 204,7 đồng và bán ra ở mức 211,8 đồng.
V. Minh
Chấn động liên tiếp, nước Mỹ u ám: Donald Trump nhận đau thương
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo có thể gây tổn thương hơn nữa cho nền kinh tế Trung Quốc và không lùi bước trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh