Ngày 18/4 Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 22.988 đồng (giảm 3 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.200 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.628 đồng (giảm 3 đồng).

Đầu giờ sáng 18/4, đa số các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay không đổi so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.150 đồng (mua) và 23.250 đồng (bán).

Vietcombank và BIDV niêm yết ở mức: 23.150 đồng (mua) và 23.250 đồng (bán). Vietinbank: 23.155 đồng (mua) và 23.255 đồng (bán). ACB: 23.160 đồng (mua) và 23.240 đồng (bán). 

Đầu phiên giao dịch ngày 18/4 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 96,96 điểm.

USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1299 USD; 111,98 yen đổi 1 USD  và 1,3049 USD đổi 1 bảng Anh.

Đầu giờ sáng, đồng USD trên thị trường thế giới suy yếu sau khi Trung Quốc công bố những thông tin bất ngờ về sức khỏe và những tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán với Mỹ.

Theo South China Morning Post, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6,4% trong quý 1/2019. Đây là một tốc độ tăng trưởng ổn định so với quý trước và cao hơn mức dự đoán tăng 6,3% được giới phân tích đưa ra trước đó.

Sở dĩ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được duy trì ổn định là nhờ sản xuất tại các nhà máy tăng mạnh. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ tăng 8,5% trong tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.

Doanh số bán lẻ trong tháng 3 của Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng cao: 8,7%. Số liệu xuất khẩu cũng cao hơn dự báo.

Kinh tế Trung Quốc tăng ổn định trở lại một ph ần cũng nhờ hàng loạt các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ nước này như: giảm thuế, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng. 

{keywords}
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay: USD suy yếu.

Số liệu tăng trường GDP cao hơn dự báo cũng đã giúp chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng ấn tượng. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số Shanghai Composite đã tăng hơn 30% trong khi chỉ số Shenzhen Component tăng hơn 40%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng còn do giới đầu tư lạc quan vào khả năng nước này và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại.

Đây là những yếu tố đã kéo giá vàng chìm ở đáy 4 tháng cho dù đồng USD suy yếu.

Ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn tỏ ra thận trọng với sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng 6,4% trong quý 1 vượt dự báo nhưng là mức tăng theo quý chậm nhất của Trung Quốc trong 27 năm qua.

Hơn thế, sự hồi phục 1 quý vẫn còn quá sớm để coi đây là sự đảo ngược tình thế bền vững.

Trước đó, giới dầu tư lo ngại Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng, khi phải đối phó với Mỹ đúng thời điểm họ chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Trung Quốc vẫn đang trong cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, trong khi tiêu dùng nội địa suy giảm và nhu cầu xuất khẩu chậm hơn ở nước ngoài, cũng như các khoản nợ ở cả lĩnh vực công và tư.

Trên thị trường trong nước phiên ngày 17/4, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng không đổi với phiên liền trước, phổ biến ở mức: 23.150 đồng/USD và 23.250 đồng/USD.

Tới cuối phiên 17/4, Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.150 đồng/USD và 23.250 đồng/USD. Vietinbank: 23.154 đồng/USD và 23.254 đồng/USD. ACB: 23.160 đồng/USD và 23.240 đồng/USD.

Tính từ đầu năm 2018, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 465-475 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Chốt phiên giao dịch 17/4, tỷ giá Euro đứng ở mức: 26.052 đồng (mua) và 26.783 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 29.899 đồng (mua) và 30.378 (bán). Tỷ giá yên Nhật ở mức 204,1 đồng và bán ra ở mức 213,8 đồng.

V. Minh