Để trẻ có được tính tự lập từ nhỏ, những lưu ý dưới đây sẽ phần nào giúp các bậc phụ huynh hiểu và có phương pháp rèn luyện đúng đắn cho bé.

Rèn luyện tính tự lập cho con ngay từ khi còn nhỏ là một bí quyết quan trọng trong quá trình dạy con ngoan của những ai làm cha, làm mẹ. Bởi tự lập là nền tảng của nhiều phẩm chất tốt sau này, kích thích lòng ham học hỏi, ưa khám phá, tính kỷ luật, tinh thần không ngại khó khăn, khả năng sáng tạo và tư duy logic cho trẻ

Tách xa sự bảo hộ

Trẻ nhỏ có xu hướng dựa dẫm vào mẹ đầu tiên, sau đó là đến cha, ông bà, người thân… Vì vậy để trẻ biết tự lập, người thân cần chiến thắng mong muốn ôm ấp, chăm bẵm con mình từ A đến Z. Tránh bế bé nhiều trong ngày mà hãy để bé nằm chơi trên giường rồi ngồi hoặc nằm bên cạnh chơi cùng bé, ru ngủ bằng cách vỗ nhẹ ít lần rồi để bé tự ngủ, không nên bế bé đi qua lại, nựng nịu quá nhiều.

Từ khi bé còn nhỏ, việc đầu tiên của bé là chơi và ăn. Trong hai việc đó cha mẹ có thể dạy con vô vàn những kỹ năng tự lập. Chính từ những việc nhỏ đó thôi, khi lớn lên trẻ sẽ biết tự tìm và làm khi chúng có nhu cầu. 

Hãy cho bé tự xúc ăn từ khi bé có thể cầm thìa, bé tự ăn hoa quả mà bé thích, tự ăn những món ăn bé thích (chấp nhận việc bé dây bẩn ra quần áo). Mẹ có thể ngồi cạnh, động viên và hướng dẫn trẻ cách ăn, cách sử dụng đồ ăn một cách đúng đắn.

{keywords}

Với những việc vệ sinh cá nhân, từ nhỏ hãy hướng dẫn dẫn trẻ đi vệ sinh vào bô, đúng nơi quy định (mặc dù những việc đó cha mẹ vẫn giúp đỡ). Khi trẻ làm việc gì đó, bạn hãy nói với con rằng: “Lần sau con muốn đi vệ sinh thì hãy đi vào đây”, lâu dần những việc đó sẽ trở thành thói quen, trẻ sẽ không còn sợ hãi khi không có người lớn làm cùng. 

Lớn thêm chút nữa, trẻ khoảng 2 tuổi, hãy cho con tự đánh răng, tự mặc quần áo mặc dù những việc đó chưa thành thạo nhưng cùng với sự giúp đỡ của cha mẹ con sẽ làm tốt trong một thời gian ngắn thôi.

Giao việc cho trẻ

Nghĩa là khuyến khích và cho trẻ thử làm những việc vừa sức. Chẳng hạn tự đi lấy nước, tự dọn dẹp đồ chơi,tự lau mặt… Đừng làm thay con tất cả mọi việc.

Nếu có thể hãy sắp xếp một “công việc” cụ thể cho bé. Ví dụ khi chuẩn bị ăn, bé sẽ phải tự lấy muỗng, khi đi tắm, bé phải tự chọn và lấy quần áo, …dần dần trẻ nhận ra mình có thể tự làm nhiều việc và sẽ rất hào hứng với điều đó.

Khen ngợi và cổ vũ

Thường xuyên khen ngợi, khích lệ khi bé làm tốt việc cần làm. Bé bú ngoan, ngủ ngoan, chơi trò chơi giỏi,…hãy tỏ thái độ tán thưởng nhiệt tình để khơi gợi lòng tự tin cho con trẻ. Ngoài ra mẹ hãy cám ơn bé khi bé giúp đem cho mẹ chiếc khăn, giúp mẹ dọn dẹp đồ chơi. 

Song song với điều này là tránh thái độ chê bai, chọc ghẹo khi bé làm không được hoặc làm hỏng việc. Hãy hỏi bé thích gì, ghét gì, muốn gì, khi bé có thể noi ra ý riêng của bản thân, đó là nền tảng cho tính độc lập và tự tin.

{keywords}

Kích thích trẻ tự suy nghĩ

Nên để cho trẻ tự tìm cách giải quyết vấn đề, điều này đòi hỏi cha mẹ phải kiên nhẫn. Gợi ý bé bằng các câu hỏi “Con thích như thế nào?”, “Theo con mình cất con búp bê này ở đâu được?”, “Làm sao bỏ được chiếc bút vào hộp đây?”…. để kích thích khả năng tự tư duy của bé.

Nếu trẻ thích tự xúc ăn, tự làm đồ chơi, tự đi ngủ thì càng tốt, không nên quá lo sợ trẻ không làm được, cứ để bé thử. Tuy nhiên, để bé tự làm không phải là bỏ mặc mà cha mẹ cần luôn ở bên cạnh để hỗ trợ tinh thần và có những gợi ý khi cần thiết.

Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động

Dù trẻ đã đi học hay chưa,cha mẹ cũng nên thường xuyên cho trẻ tham gia hoạt động cộng đồng. Chẳng hạn như biểu diễn văn nghệ, đi đến các lễ hội, tham gia trò chơi cùng bạn bè,… Hãy duy trì các hoạt động ngoại khóa, cộng đồng để rèn luyện sự tự tin, mạnh dạn ngay từ lúc còn nhỏ cho bé.

Lưu ý khi rèn luyện sự tự lập cho trẻ:

Để bé tự làm rồi quan sát để biết vướng mắc chỗ nào rồi chỉ dẫn bé cách làm đúng.

Tập dần từng việc, từ tự ăn, tự mặc quần áo, tự dọn dẹp đồ đạc…hoặc để trẻ tự do làm điều gì trẻ thích chứ không nên ép buộc phải tự lập đồng bộ.

Mẹ có thể làm mẫu để bé quan sát, học theo, lưu ý làm thật chậm và vừa làm vừa thuyết minh bằng lời cho bé nghe.

Không tỏ ra sốt ruột khi trẻ thất bại nhiều lần bởi như vậy sẽ gây áp lực và khiến trẻ mất hết tự tin.

Tùy vào khả năng của trẻ để rèn giũa, nhanh chậm không quan trọng mà vấn đề là trẻ làm được gì.

(Theo Congluan)