Ngoại thất xuống cấp nhanh chóng, tiếng động cơ không êm, thương hiệu kém uy tín… thường là những lý do khiến chiếc xe của bạn mất giá khi bán lại.
Hãy tham khảo những “tuyệt chiêu” dưới đây để có thể bán lại chiếc xe của bạn với giá hời nhất có thể.
Tân trang nội - ngoại thất
Chẳng ai muốn mua lại một chiếc xe cũ nát, trầy xước hay trông nghèo nàn và kém thẩm mỹ cả. Do đó, muốn tạo ấn tượng với người mua thì chiếc xe của bạn phải đáp ứng được chất lượng từ ngoại thất cho đến nội thất bên trong, chí ít là tương xứng với giá bán đưa ra.
Thông thường, thân xe vẫn là bộ phận được người mua chú trọng, cho nên trước khi bán lại thì bạn cần kiểm tra những vị trí bị gỉ rét, chỗ sơn phai màu hoặc ố vàng do điều kiện thời tiết gây ra... Một số chủ xe ít khi lau chùi vệ sinh xe thì cũng cần “tắm rửa” lại trước khi đem bán cho người khác. Các bộ phận khác như lốp xe, ống xả, cốp xe, gương chiếu hậu… nên được kiểm tra, thay thế hoặc vệ sinh đánh bóng khi cần thiết.
Riêng về nội thất, những chi tiết như ghế ngồi, hệ thống điều hoà, bảng táp-lô, dàn đèn và âm thanh cùng hệ thống cửa kính… thường dễ bị “soi” nhiều nhất. Do đó, nếu bạn muốn thuyết phục người mua chọn chiếc xe của mình thì cũng đừng quên tô điểm, dọn dẹp khoang nội thất sạch đẹp và thoáng mát, đồng thời sửa chữa các hệ thống tiện nghi bên trong khi có hư hỏng.
Chất lượng động cơ
Xem đồng hồ hiển thị số công-tơ-mét, khởi động xe qua âm thanh ống xả, lái thử và lắng nghe tiếng kêu từ hệ thống treo… là những cách phổ biến mà nhiều người áp dụng để kiểm tra chiếc xe ô tô trước khi mua. Qua đó, người mua cũng có thể tự đánh giá chất lượng của động cơ xe, đồng thời biết được bạn có thực sự quan tâm và chăm sóc tốt chiếc xe của mình trong quá trình sử dụng hay không.
Nếu chiếc xe mà bạn thường xuyên kiểm tra và bổ sung kịp thời dầu nhớt hay nước làm mát, thay thế lọc dầu, thậm chí là vệ sinh buồng đốt và bảo dưỡng định kỳ các hệ thống hỗ trợ động cơ khác thì chứng tỏ giá trị của động cơ xe bạn được đảm bảo chất lượng, vận hành trơn tru; đồng nghĩa rằng người mua nhận thấy số tiền mà họ bỏ ra để sở hữu chiếc xe của bạn là hoàn toàn xứng đáng.
Khắc phục hư hỏng
Nếu một chiếc xe bị va chạm dẫn đến hư hỏng nhiều lần, hoặc vướng phải những “căn bệnh” trường kỳ như hay chết máy, mâm lốp thường gặp trục trặc, hệ thống điều hoà không ổn định,... thì có khi đó lại là những điểm yếu dễ bị người mua liên tục “tra khảo” bạn, tạo ra nhiều nghi vấn và thậm chí không đảm bảo rằng họ sẽ mua chiếc xe đó.
Cách tốt nhất là bạn phải biết cách kiểm soát những khuyết điểm thường gặp từ chính chiếc xe của mình, từ việc chăm sóc thường xuyên cho đến sửa chữa thay thế hợp lý thì mới mong việc chuyển nhượng diễn ra êm đẹp và tránh được rủi ro phàn nàn về những lỗi vặt của chiếc xe từ người mua sau khi đã bán nó đi.
Nhu cầu thực tế
Ngoài mục đích dùng làm phương tiện đi lại, chiếc xe định đem bán của bạn phải có thêm những ưu điểm nổi bật khác gắn liền với hoàn cảnh thực tế của người mua, đó biết đâu lại là điểm lợi mà bạn cần khai thác thêm.
Sở hữu phiên bản đặc biệt, mẫu xe có động cơ hoạt động bền bỉ, phụ tùng phụ kiện chất lượng, trang bị hộp số hiện đại hay được độ thêm bộ mâm lốp đắt tiền…. có thể được xem là những điều kiện thuận lợi giúp bạn có đủ tự tin giới thiệu, tư vấn thêm cho người mua.
Hình ảnh và thương hiệu
Không chỉ có xe mới hay phiên bản nâng cấp, mà ngay cả những mẫu xe cũ và pha chút cổ điển lại có sức hấp dẫn riêng với người mua bởi giá trị thời gian cùng độ uy tín của thương hiệu.
Chẳng hạn, những chiếc xe mới nổi bật trên thị trường của các hãng quen thuộc như Hyundai, Mazda hay Kia rất được ưa chuộng nhưng lại sớm rớt giá, cũng như khả năng bán lại không cao. Bù lại, các phiên bản đời cũ của Ford, BMW hay GM… vẫn luôn nằm trong danh sách “săn đón” của nhiều người mua.
(Theo Cafe Auto)