Chị Y Buốt, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình là người năng động, nhiệt tình, có trách nhiệm cao trong công việc. 

Thời gian qua, với sự tích cực tuyên truyền, vận động của chị và Hội liên hiệp phụ nữ xã, nhiều chị em đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống và lao động sản xuất. Chị em đã biết giữ gìn vệ sinh, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con, phấn đấu học hành và phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ dự án 8, chị em dân tộc thiểu số đã tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, trao đổi ý kiến.

Sau khi học xong THPT, chị Y Buốt (SN 1993, ở bản Nịu, xã Thượng Trạch) cũng như bao cô gái Bru-Vân Kiều khác đều về bản lấy chồng, sinh con nhưng vẫn còn đam mê với công việc của cộng đồng nên tích cực tham gia rồi dần dần được bà con yêu mến, tin tưởng. 

Thời gian đầu, do quan niệm cũ nên nhà chồng không muốn cho chị đi làm nhiều, sau đó nhờ tuyên truyền, vận động, chị được tạo điều kiện tham gia các hoạt động. Sau khi thấy chị năng nổ, làm tốt công việc nên gia đình đã tin tưởng, ủng hộ chị. Nhiều gia đình khác ở xã Thượng Trạch cũng bỏ dần quan niệm phụ nữ lấy chồng phải ở nhà, không được đi làm công việc xã hội. 

Làm công tác phụ nữ ở xã vùng cao Thượng Trạch có rất nhiều khó khăn, mặc dù toàn xã có 18 chi hội phụ nữ nhưng Hội liên hiệp phụ nữ xã vẫn thường xuyên đi đến tận nơi, vào tận bản để tuyên truyền, vận động chị em. 

Chị tâm sự, bước đầu thực hiện dự án: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 gặp nhiều khó khăn. Sau quá trình nỗ lực thực hiện, đến nay, toàn xã đang duy trì 10 tổ truyền thông cộng đồng, 1 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự đổi thay” và 3 địa chỉ tin cậy.

Từ khi dự án đi vào hoạt động, tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm hẳn, nhận thức về bình đẳng giới được nâng cao, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, hị em dân tộc thiểu số đã tự tin, mạnh dạn trong trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm. 

Chị Y Buốt tâm sự, chị em phụ nữ cần chủ động về kinh tế, do đó phải tích cực tăng gia sản xuất. Hội liên hiệp phụ nữ xã vận động chị em bản Nịu trồng khoai môn, các bản khác trên địa bàn xã trồng măng trúc, bơ sáp, nuôi lợn… Có chị ở bản Khe Rung còn nuôi hơn 50 con lợn, cho thu nhập ổn định hàng năm.

Những năm qua, chị cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các công việc được phân công như: Xây dựng vườn cây ăn quả tại bản Chăm Pu, vườn rau tại các bản, kêu gọi, hướng dẫn người dân thực hiện dự án trồng rừng thay thế tại bản Cồn Roàng và bản Troi... 

30b02202 c360 4fb7 9c2c 6618483b2267.jpg
Chị Y Buốt, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Thượng Trạch trao tặng quà cho bà con.

Trong xây dựng nông thôn mới, chị xác định mình phải là tấm gương trong phát triển kinh tế và là tuyên truyền viên năng nổ. Từ đó vận động người thân, cộng đồng tham gia, nhiệt tình ủng hộ, hiến hàng nghìn m2 đất giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình phúc lợi, trường học... Chị Y Buốt luôn đi đầu trong việc tìm hiểu những biện pháp, cách làm nhằm khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu của địa phương, tiếp thu những hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt để ứng dụng vào sản xuất; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng và làm giàu cho gia đình.

Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ IV-năm 2024, chị đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Hành trình 6 năm làm Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Thượng Trạch và hơn 4 năm làm Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ  xã đã mang lại cho chị “trái ngọt” sau nhiều vất vả, cố gắng.