Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, học sinh, khiến 6 trẻ tử vong. 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn liên quan đến trẻ em, học sinh, làm 8 trẻ tử vong.

Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, mỗi ngày khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Thẩm mỹ tiếp nhận điều trị từ 70 đến 75 bệnh nhân bị tai nạn thương tích. Tuần đầu tiên của kỳ nghỉ hè năm nay, số bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa đã tăng lên 110 trẻ; trong số đó có gần 50% số trẻ là bị tai nạn giao thông.

Bác sĩ Lưu Đức Thọ, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Thẩm mỹ, cho biết những năm gần đây, vào dịp hè, nhìn chung số lượng bệnh nhân gặp tai nạn thương tích, tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng khoảng 40%-50% so với bình thường.

Trẻ vào viện vì những tổn thương từ mức độ nhẹ, đơn giản đến tổn thương nặng, phức tạp, có những tổn thường nguy kịch. Đặc biệt gia tăng nhiều ở những trẻ có khả năng tự tham gia giao thông, đi xe đạp và xe đạp điện.

Có thời điểm phòng Cấp cứu, khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, 50% bệnh nhân là trẻ bị tai nạn giao thông. Có trường hợp trẻ đang chơi trong nhà bất ngờ lao ra đường bị tai nạn, có trường hợp đi học bằng xe máy điện va chạm với xe máy khác dẫn đến tai nạn...

Trước thực trạng tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, học sinh có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, triển khai các giải pháp ngăn ngừa tai nạn giao thông nói chung và trong trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên nói riêng. 

Bên cạnh đó mỗi gia đình cần tăng cường quản lý, giám sát việc đi lại của con em mình, không giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi sử dụng.

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trên cả nước đã tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho cán bộ giáo viên, sinh viên, học sinh.

an toan giao thong.dinhhieu.png
Lực lượng CSGT nhiều địa phương tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh. 

Tại các buổi tuyên truyền, các báo cáo viên đã đưa ra những con số cụ thể, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên; những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông; hậu quả, tác hại và những hệ lụy do hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Đồng thời, báo cáo viên cũng đưa ra và phân tích những tình huống giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn đối với các em học sinh, sinh viên. Đặc biệt, nội dung được tập trung tuyên truyền là các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông phổ biến của học sinh, sinh viên khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông và mức xử phạt để các em biết chấp hành và nghiêm túc thực hiện.

Một số hành vi vi phạm được chỉ ra như: Không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), sử dụng điện thoại di động, sử dụng ô, đi dàn hàng ngang (từ 3 xe trở lên), không có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định, đi không đúng làn đường, phần đường; vượt xe trong những trường hợp không được vượt, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định. Đặc biệt, các báo cáo viên nhấn mạnh hành vi điều khiển xe tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia... hoàn toàn bị nghiêm cấm.

Tham gia các buổi tuyên truyền, sinh viên, học sinh được trang bị cuốn cẩm nang tuyên truyền về luật phòng chống tác hại của rượu bia, tờ rơi hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông. Qua đó, giúp các em học sinh, sinh viên tiếp tục nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; luôn ứng xử có văn hóa và bảo đảm an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh khi tham gia giao thông.

Võ Thu và nhóm PV, BTV