Ngày 17/8, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, để chủ động nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó kịp thời với các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) tới toàn thể cán bộ viên chức và các em học sinh tại trường học là hết sức cần thiết.

Chính vì vậy, trước thời điểm bước vào năm học mới 2024-2025, Công an quận Cầu Giấy đã triển khai thực hiện đợt cao điểm về công tác kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, đồng thời tuyên truyền về PCCC&CNCH cho các trường học trên địa bàn.

Cụ thể, vào ngày 16/8, Công an quận Cầu Giấy phối hợp cùng Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Đa Trí Tuệ (MIS) tổ chức buổi tuyên truyền về PCCC&CNCH cho khoảng 1.300 học sinh và cán bộ, giáo viên của nhà trường.

Hướng dẫn cách thoát hiểm khi có cháy trong trường học

Trong buổi tuyên truyền, Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh - Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Cầu Giấy, đã cung cấp thông tin tình hình cháy nổ, đặc biệt là những thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra; một số nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ tại trường học như: bất cẩn trong việc sử dụng lửa và ý thức chủ quan trong việc sử dụng điện.

W-8 2508.png
Hoạt động sôi nổi tại buổi tuyên truyền. Ảnh: T. A.

Đặc biệt, Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh hướng dẫn cách sử dụng các loại bình chữa cháy xách tay, cách thoát hiểm khi có cháy xảy ra trong trường học, gia đình, các biện pháp đề phòng, hướng dẫn công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, tránh sự cố cháy xảy ra trong nhà trường và trong sinh hoạt gia đình.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh còn hướng dẫn cho các học sinh cách nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, nguy cơ gây tai nạn và hướng dẫn, tập huấn, giúp các em học sinh nắm bắt được những kỹ năng cơ bản để chữa cháy, ứng cứu và thoát hiểm khi không may xảy ra sự cố cháy, nổ như: Hô hoán, báo động, cách chọn lối thoát, cách sử dụng các vật dụng để bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ, kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh nhấn mạnh, mọi người phải biết cách sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy bằng bình chữa cháy; cách phòng tránh, sơ, cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp.

Kỹ năng PCCC&CNCH phù hợp lứa tuổi

Ngay sau phần lý thuyết, các học sinh được trải nghiệm thực hành thực tế sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu, cơ bản để dập tắt đám cháy giả định (bình gas cháy), qua đó giúp các em có thêm sự tự tin, bình tĩnh để thực hiện tốt thao tác sử dụng bình chữa cháy có hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ.

W-9 2508.png
Các em học sinh được chiến sĩ PCCC&CNCH hướng dẫn thực hành chữa cháy. Ảnh: T. A.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, đối với học sinh bậc tiểu học, cần thiết phải trang bị những kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, cách sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ; sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc.

Đối với học sinh bậc trung học cơ sở, cần phải nắm chắc các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ; thực hành và sử dụng thành thạo các kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với thiết bị mô hình…

Việc phổ cập, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo an toàn PCCC cho nhà trường và chính bản thân các em học sinh.

Vì vậy, việc nỗ lực đưa kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH vào học đường sẽ giúp dần hình thành nên một lứa công dân mới với hành trang là những kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm trong công tác PCCC, CNCH, có thể tự cứu mình, cứu gia đình mình và những người xung quanh khi không may gặp sự cố cháy, nổ.

Các em học sinh cũng chính là những tuyên truyền viên tích cực về PCCC trong gia đình và cộng đồng xung quanh.

Qua buổi tuyên truyền không chỉ giúp các em học sinh có thêm những kỹ năng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH tại gia đình, nhà trường và xã hội.