Chung tay xóa "lõi nghèo"
Ở Nghệ An, tộc người Đan Lai và dân tộc Ơ Đu nằm trong vùng dân tộc rất ít người. Thời gian qua, với sự quan tâm cùng nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào Đan Lai và Ơ Đu đã có những đổi thay đáng ghi nhận. Song, do nhiều nguyên nhân, để vực dậy đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người này còn nhiều khó khăn.
Tộc người Đan Lai - tộc người "ngủ ngồi" duy nhất của Việt Nam chỉ cư trú tại Nghệ An, hiện sinh sống chủ yếu trên địa bàn huyện Con Cuông và huyện Tương Dương. Bởi địa bàn sinh sống tập trung ở đầu nguồn các con khe trong Vườn Quốc gia Pù Mát với tập quán săn bắn, hái lượm nên cuộc sống của người dân Đan Lai luôn bị tình trạng đói nghèo, lạc hậu và suy thoái nòi giống bủa vây.
Những khó khăn tương tự cũng diễn ra với dân tộc thiểu số rất ít người thứ 2 của tỉnh - dân tộc Ơ Đu. Hiện tại, dân tộc Ơ Đu cư trú tập trung tại địa bàn vùng núi cao của huyện Tương Dương. Trong đó, một phần sinh sống tại Văng Môn (Nga My), số còn lại sống xen kẽ với các dân tộc Thái, Khơ mú tại 4 xã Tam Đình, Thạch Giám, Xá Lượng, Lượng Minh.
Với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, miền Tây Nghệ An là nơi tập trung đông đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức ấy, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm xóa "lõi nghèo", nâng cao đời sống cho người dân.
Nỗ lực xóa 'lõi nghèo', thay đổi diện mạo vùng cao
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, bên cạnh việc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, các huyện miền Tây có 80% số thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 26/2/2024 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo kế hoạch, Nghệ An sẽ thực hiện 7 dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, đã mang lại những "trái ngọt" ban đầu. Nhiều xã ở miền Tây Nghệ An đã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở miền Tây Nghệ An vẫn còn cao hơn mức trung bình của cả nước. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường sinh thái vẫn là những bài toán cần có lời giải dài hạn.
Để hoàn thành mục tiêu xóa "lõi nghèo" miền Tây, tỉnh Nghệ An đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho người dân, khuyến khích họ vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lực của mình. Các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, truyền thông về chính sách giảm nghèo được triển khai rộng khắp đến từng thôn, bản.