Tại Hội nghị, các can phạm nhân được nghe lãnh đạo Trại tạm giam Công an tỉnh, báo cáo viên của Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hải Dương, báo cáo viên của Câu lạc bộ khởi nghiệp, trường Đại học Hải Dương phổ biến, tuyên truyền kiến thức định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp, đồng thời tư vấn thông tin về thị trường lao động, việc làm, các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm… và những kỹ năng tái hoà nhập cộng đồng.
Chương trình cũng góp phần huy động nguồn lực xã hội tham gia vào giáo dục phạm nhân nói chung, nhất là phạm nhân trong độ tuổi thanh niên được học tập, cải tạo tiến bộ. Từ đó giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Thượng tá Đặng Đình Cường, Phó Giám thị Trại tạm giam nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả công tác tái hoà nhập cộng đồng trong thời gian tới, lực lượng Công an cơ sở cần thường xuyên tiến hành rà soát nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và gia đình người chấp hành xong án phạt tù trong công tác quản lý, giáo dục; đồng thời thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi giúp người chấp hành xong án phạt tù tu dưỡng, rèn luyện, tái hòa nhập cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần quan tâm, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù ổn định việc làm, giúp họ xóa đi mặc cảm lầm lỗi, phấn đấu rèn luyện trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Được biết, đây là một trong các hoạt động thường niên của Trại tạm giam Công an tỉnh nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tù, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng, trở thành công dân lương thiện, góp phần phòng ngừa, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Hiện nay, tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương có khoảng 900 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.