Minh Hoá là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình, toàn huyện có 2 dân tộc thiểu số chính là Bru Vân Kiều, Chứt và một số dân tộc thiểu số khác cùng định cư trên địa bàn, tập trung chủ yếu tại 42 thôn, bản của 4 xã biên giới.
Hiện toàn huyện có 2.179 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,30%, trong đó số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 1.501 hộ, chiếm 68,99% tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.
Những năm gần đây, huyện Minh Hoá luôn ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang bị kỹ năng, kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế để giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, tự thân vươn lên thoát nghèo.
Để hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo hiệu quả cho đồng bào, huyện luôn chú trọng phát huy tối đa hiệu quả, vai trò của người uy tín trong cộng đồng thôn, bản để đẩy mạnh tuyên truyền, song song với việc cung cấp kiến thức, kỹ năng và giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế để bà con vận dụng vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhiều lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn tín dụng… được tổ chức theo phương châm “bắt tay chỉ việc” đã góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của bà con. Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện không những quen dần với phương thức sản xuất thị trường mà đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt, làm thế nào để truyền cảm hứng cho bà con có động lực vươn lên phát triển kinh tế là mấu chốt để công tác giảm nghèo có hiệu quả và bền vững.
Những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục chú trọng các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm, kiểm tra và giám sát để việc thực hiện các chương trình bảo đảm hiệu quả và đúng tiến độ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, để miền ngược dần bắt kịp với miền xuôi.
Con đường vào bản K-Oóc, xã Trọng Hóa là con đường bê tông cuối cùng trên địa bàn huyện được huy động từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặc dù còn một số hạng mục phụ cần hoàn thành nhưng với bà con bản K-Oóc thì “ước nguyện” bao năm đã thành hiện thực. Từ đây, việc đi lại của bà con và các em học sinh thuận tiện hơn nhiều, nhất là vào mùa mưa không sợ sình lầy, trơn trượt như khi còn đường đất trước đây nữa.
Lãnh đạo UBND xã Trọng Hóa cho biết, hiện toàn bộ hệ thống đường giao thông vào các bản đều được bê tông, tạo điều kiện cho bà con giữa các thôn, bản thuận tiện đi lại cũng như kết nối giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện cũng được đầu tư, nâng cấp khang trang, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng cũng giảm dần, các thầy cô cắm bản cũng đỡ vất vả...
“Đến nay, 100% thôn, bản có đường ô tô về trung tâm. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trở thành mạng lưới giao thông thuận tiện, mở ra cơ hội giao thương giữa các vùng, miền. 100% số xã có trường học các cấp và các điểm trường mầm non, hệ thống trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số, 100% xã phủ sóng phát thanh, truyền hình, mạng điện thoại di động và mạng internet đã về đến trung tâm, 100% xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98%”, ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết.