Tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, địa phương có hơn 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, công tác quản lý về an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Toàn huyện có hơn 760 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, nằm ở vùng cao nên khó kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm.

Trong sản xuất nông nghiệp, người dân vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất. Truyền thống của người dân khi ăn uống tại chợ phiên cũng tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm. Người dân vẫn còn nhiều phong tục tập quán như ăn tiết canh, ăn quả rừng, lấy thực phẩm từ núi rừng nên có thể gây ngộ độc. Đặc biệt, khi gia đình có việc, người dân tụ tập ăn nhiều ngày, thực phẩm bảo quản không đảm bảo. 

W-an-toan-thuc-pham-2-1-1.png
Người dân kinh doanh phở hồng tại chợ thị trấn Bắc Hà.

Thị trấn Bắc Hà cũng là nơi có nhiều hoạt động du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú nhưng việc quản lý an toàn thực phẩm còn khó khăn do thiếu sự phối hợp của các ngành y tế, công thương, nông nghiệp. Nhân lực chuyên trách về an toàn thực phẩm còn thiếu, trang thiết bị cho khẩu kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm thiếu đồng bộ, chủ yếu quan sát bằng mắt, cảm tính.

Trong năm 2023, UNBD tỉnh Lào Cai đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra trên địa bàn huyện Bắc Hà.

Theo Sở Y tế tỉnh Lào Cai, công tác quản lý an toàn thực phẩm cần có sự chung tay sát sao của các sở, ban ngành. Đặc biệt, người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số nên công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm cần phù hợp theo tâm lý “mưa dầm thấm lâu”.

Đồng thời, đẩy mạnh thông qua truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp tới hộ gia đình bằng hình ảnh trực quan sinh động, ưu tiên các xã vùng xa, vùng khó khăn qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, già làng, trưởng bản, người có uy tín. Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, cần tập huấn, tuyên truyền, vận động chủ cơ sở thực hiện tốt các điều kiện vệ sinh, bảo quản thực phẩm...

Võ Thu và nhóm PV, BTV