Thể thao điện tử vẫn là một ngành còn khá mới mẻ với nhiều người, nhưng đời sống của các tuyển thủ đang ngày một nâng cao. Còn nhớ cách đây ít năm trước, gaming house là một khái niệm còn khá xa xỉ với các tuyển thủ thì nay nó đã trở thành điều kiện tiên quyết cho một tổ chức muốn đầu tư vào eSports

Cùng với đời sống được cải thiện, thu nhập của các tuyển thủ cũng được nâng lên đáng kể. Chẳng hạn với Đấu Trường Danh Vọng ra đời từ năm 2017, nhà vô địch khi đó chỉ ẵm được 100 triệu đồng tiền thưởng thì đến nay riêng cá nhân thần rừng Trần Đức ‘ADC’ Chiến đã ẵm ngay 100 triệu đồng cho danh hiệu tuyển thủ xuất sắc nhất của mùa giải.

{keywords}
Chức vô địch của Team Flash ở Đấu Trường Danh Vọng mùa Xuân 2021 đem về 900 triệu đồng tiền thưởng cho đội. 

Nhà vô địch Team Flash cũng đem về 900 triệu đồng trên tổng số tiền thưởng của giải đấu là hơn 3 tỷ đồng. Đây được xem là số tiền thưởng kỷ lục cho một giải đấu eSports ở nước ta.

Giả sử số tiền thưởng này được chia đều cho 7 thành viên của đội, mỗi tuyển thủ Team Flash vẫn sẽ nhận được hơn 120 triệu đồng, trong khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 3.521 USD (hơn 81 triệu đồng), theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Ngoài tiền thưởng, ADC cùng các đồng đội còn có các khoản thu nhập khác như tiền ủng hộ (donate) ở những buổi livestream, tiền lương, thưởng từ nhà tài trợ. Đấy là chưa kể cơ hội bỏ túi số tiền thưởng kỷ lục 4,6 tỷ đồng cho nhà vô địch khi tham dự giải đấu quốc tế AWC 2021 được tổ chức online vào tháng 6 tới. Tổng tiền thưởng của AWC 2021 là hơn 12 tỷ đồng. 

Còn nếu xét riêng ở cả mùa giải năm ngoái, một đội tuyển khác là Saigon Phantom đã bỏ túi số tiền thưởng kỷ lục 176.000 USD (hơn 4 tỷ đồng), mà phần lớn là nhờ thành tích về nhì ở giải đấu quốc tế AIC 2020. Con số này nếu phải chia đều cho 7 tuyển thủ và 3 huấn luyện viên vẫn là cực kỳ lớn, tương đương mỗi người ẵm hơn 400.000 triệu đồng. 

Ở các giải đấu khác như Đấu Trường Sinh Tồn hay kể cả là giải đấu mới Icon Series SEA, tổng tiền thưởng của giải cũng đã lên tới 2,5 tỷ đồng. Ít hơn chúng ta có PUBG Mobile Pro League với tổng tiền thưởng 1,7 tỷ đồng và Vietnam Championship Series với tổng tiền thưởng 1,2 tỷ đồng. 

Đó chỉ là tiền thưởng trong một mùa giải gần nhất, chưa bao gồm lương thưởng và thu nhập khác. Như vậy, có thể nói thu nhập bình quân của các tuyển thủ eSports là cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của xã hội và không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh.

{keywords}
Nhiều tuyển thủ đã được sinh hoạt và luyện tập trong gaming house với đầy đủ tiện nghi và hiện đại

Nhưng giả sử không có tiền thưởng và thu nhập khác, các tuyển thủ phải sống dựa vào lương. Vậy lương của các tuyển thủ eSports liệu có đủ sống? Hiện tại, các tuyển thủ thuộc các giải đấu do Garena (tức Vietnam Esports) tổ chức đang được hưởng mức lương trợ cấp từ 1 - 3 triệu đồng/tháng/người. Chưa kể các đội sẽ có khoản tiền lương cố định trả thêm cho các tuyển thủ nhưng phụ thuộc vào từng vị trí, độ nổi tiếng và thành tích thi đấu.

Vì thế mới có chuyện ngôi sao Phạm Minh ‘Zeros’ Lộc và Nguyễn Hải ‘Palette’ Trung hưởng lương không dưới 50 triệu đồng/tháng khi còn ở GAM Esports.

Cá biệt, thần rừng Đỗ Duy ‘Levi’ Khánh từng nhận mức lương không dưới 80 triệu đồng/tháng dưới thời HLV Dương Nguyễn Duy Thanh. Đội trưởng của GAM Esports còn nhận được lời đề nghị bán con rồng đầu trong một trận đấu bất kỳ lấy 100 triệu đồng nhưng lắc đầu từ chối.

Nhưng ngoài những ngôi sao này, các tuyển thủ khác của GAM Esports chỉ nhận được mức lương khiêm tốn dưới 15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, chính Zeros còn tiết lộ rằng, người đồng đội cũ Hứa Thành ‘EasyLove’ An chỉ nhận được 5 triệu đồng/tháng bao gồm cả khoản tiền trợ cấp từ ban tổ chức. 

Nhưng ngoài GAM Esports, lương thưởng vẫn là câu chuyện bí mật hiếm khi được công khai. Mức lương này thường dao động trong khoảng từ 5 - 15 triệu đồng/tháng.  

Gần đây, Divine Esports là tổ chức hiếm hoi công khai mức lương tuyển dụng với thực tập hưởng 4 triệu đồng, thử việc 6 triệu đồng và lương chính thức là một con số không được tiết lộ. 

Ngoài tuyển thủ, tổ chức này cũng tuyển dụng HLV chuyên môn với lương từ 15 - 25 triệu đồng và phân tích viên với lương từ 8 - 15 triệu đồng. 

Cần nhớ rằng, các khoản lương này đã bao gồm chi phí ăn ở sinh hoạt tại chỗ ở gaming house. Như vậy, nếu coi eSports là một nghề mà tuyển thủ là những người lao động được bao ăn ở tại chỗ, mức lương trên 4 triệu đồng/tháng không phải một con số quá tệ, nhất là khi xét đến yếu tố nhiều tuyển thủ đã sớm bỏ học từ cấp 2, cấp 3. 

Phương Nguyễn

Lương tuyển thủ eSports 5 triệu hay 50 triệu đồng mới xứng đáng?

Lương tuyển thủ eSports 5 triệu hay 50 triệu đồng mới xứng đáng?

Người lương 5 triệu đồng/tháng, người lại hưởng lương 50 triệu đồng/tháng đang là câu chuyện nóng hổi trong cộng đồng eSports Việt Nam thời gian gần đây.