Theo kế hoạch, Quy chế thi THPT và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 phải được ban hành vào tuần đầu tháng 2. Tuy nhiên, việc ban hành hai quy chế quan trọng này đã bị chậm bởi sự thiếu thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp liên quan đến việc tuyển sinh hệ cao đẳng. Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét một số vấn đề nhằm giải quyết bất cập này. Vì những "lùng nhùng" ở một bậc học, hàng triệu học sinh trên cả nước, hàng trăm cơ sở đào tạo, 63 Sở GD-ĐT địa phương đang phải chờ đợi để có thể bắt tay vào chuẩn bị cho một kỳ thi với phương thức mới.

{keywords}

Giờ thực hành trên máy của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Tuyển sinh theo quy định nào?

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII diễn ra vừa qua, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp lại theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. Trước đó, lĩnh vực giáo dục nghề do hai bộ quản lý. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, gồm trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Bộ LĐ-TB&XH quản lý hệ thống dạy nghề gồm ba trình độ: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Như vậy, theo luật mới, giáo dục nghề nghiệp sẽ bao gồm cả trình độ cao đẳng trong khi theo quy định cũ thì cao đẳng thuộc giáo dục đại học.

Theo các chuyên gia, sự hợp nhất nói trên tạo sự nhất quán trong hệ thống, giải quyết được tình trạng chồng chéo trong quản lý và đào tạo, giảm sự phân tán, lãng phí trong phân bổ nguồn lực trong giáo dục nghề nghiệp. Hơn nữa, các trình độ đào tạo nghề được hợp nhất trong luật mới đều theo định hướng thực hành nghề nghiệp và chú trọng kỹ năng nghề nghiệp nhằm phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong khi thời điểm hiệu lực thi hành luật mới chưa tới thì chưa có bộ nào được giao chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, kỳ tuyển sinh năm 2015 đang đến gần, các quy chế, quy định cần được gấp rút hoàn thiện để công bố, chuẩn bị cho công tác tuyển sinh. Hơn ai hết, các trường cao đẳng đang đứng ngồi không yên vì chưa thể biết sẽ tuyển sinh theo quy định của bộ nào (trước kia, khi các trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT vẫn ban hành quy chế chung cho cả hai hệ). Hơn nữa, thời điểm có hiệu lực của Luật Giáo dục nghề nghiệp là ngày 1-7 tới cũng gây bối rối cho các trường bởi trùng với thời gian tuyển sinh. Nếu các trường chuẩn bị công tác tuyển sinh theo quy chế cũ thì tới thời hạn 1-7 sẽ tiếp tục thực hiện ra sao khi đã sát kỳ thi?

Kiến nghị: Vẫn như năm trước

Trong bối cảnh này, nhằm giúp các trường sớm ổn định kế hoạch tuyển sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD-ĐT đã chủ động trao đổi với Bộ Tư pháp và có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo về việc ban hành các quy chế trong thời gian dự kiến. Tờ trình nêu rõ: Quy chế thi THPT và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy cần phải được ban hành dự kiến trong tuần đầu của tháng 2-2015. Bộ cũng cần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 55/2012/ TT-BGDĐT ngày 25-12-2012 quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học (do quy định trong thông tư này về người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng chưa đủ 36 tháng phải đăng ký dự thi kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy không còn phù hợp với việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia).

Bộ GD-ĐT cũng đã phân tích một số điểm khác biệt giữa Luật Giáo dục nghề nghiệp với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học hiện hành khiến việc ban hành các quy định nói trên gặp khó khăn. Trong đó, theo Luật Giáo dục đại học hiện hành (Điều 36), giáo dục đại học bao gồm trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Còn theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (điểm d, khoản 1 Điều 76) thì giáo dục đại học không bao gồm trình độ cao đẳng.

Cũng theo quy định của Luật Giáo dục đại học hiện hành (khoản 3 Điều 34), tuyển sinh cao đẳng được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ GD-ĐT ban hành. Trong khi đó, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, tuyển sinh đối với giáo dục nghề nghiệp (trong đó có tuyển sinh cao đẳng) được quy định tại Điều 32 của luật này.

Luật Giáo dục đại học hiện hành (khoản 4 Điều 37) cũng quy định Bộ GD-ĐT là cơ quan ban hành quy chế đào tạo (trong đó có đào tạo liên thông). Còn Luật Giáo dục nghề nghiệp (khoản 3 Điều 9) nêu rõ: Đào tạo liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong tờ trình nói trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trình bày về việc hiện nay Chính phủ chưa giao cơ quan nào phụ trách giáo dục nghề nghiệp cũng như hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa được ban hành, trong khi thời gian đăng ký dự thi của thí sinh đã tới gần. Vì vậy, để kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 diễn ra đúng thời gian đã định, Bộ GD-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hai điểm: Thứ nhất, tuyển sinh hệ cao đẳng năm 2015 vẫn theo quy định của Luật Giáo dục đại học và cho phép Bộ GD-ĐT được ban hành Quy chế tuyển sinh đại học có cả phần tuyển sinh cao đẳng như những năm trước. Thứ hai, cho phép Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.

Ngày 9/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý để Bộ GD-ĐT hướng dẫn việc tuyển sinh đào tạo bậc cao đẳng và liên thông trình độ ĐH,CĐ năm 2015 như tờ trình mà Bộ GD-ĐT đã đề nghị.

Theo tờ trình của Bộ GD-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2015: Để kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2015 có thể bắt đầu từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 như dự kiến, Bộ GD-ĐT cần phải ban hành các văn bản pháp quy.


(Theo Quỳnh Phạm/ Hà Nội Mới)