Đầu tháng 9, Đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc), gây xôn xao khi công bố số lượng tuyển sinh năm 2024. Theo đó, hệ đại học là 5.342 sinh viên, sau đại học là 5.382 học viên. Lần đầu tiên số lượng nghiên cứu sinh và sinh viên đại học của trường san bằng tỷ số 1-1.
Năm nay, Đại học Thanh Hoa cũng tuyển được 3.760 tân sinh viên và 12.069 nghiên cứu sinh. Còn Đại học Bắc Kinh đón 4.408 tân sinh viên, 6.936 học viên thạc sĩ và 3.867 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Tương tự, Đại học Phúc Đán năm 2024 tuyển 4.337 sinh viên và 8.131 học viên sau đại học.
Ngoài ra, tình trạng này cũng gặp ở một số trường khác như: Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Đông, Đại học Tài chính & Kinh tế Thượng Hải và Đại học Khoa học Kỹ thuật Thượng Hải... Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục ở Trung Quốc, tuyển sinh "đảo ngược" chủ yếu diễn ra ở những trường thuộc dự án 985 (xây dựng thành các trường đại học hàng đầu thế giới) của Chính phủ và Bộ Giáo dục nước này.
Không phủ nhận việc mở rộng quy mô tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã cung cấp cho xã hội lượng lớn nhân tài, góp phần đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, kèm theo đó là một số hệ quả như: Giá trị bằng cấp giảm, chi phí học tập cao và nổi bật là tình trạng "trình độ cao, việc làm thấp".
Dữ liệu hàng năm của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp 10 năm qua tăng 14,3% nhưng đội ngũ giảng viên trên cả nước vẫn ở mức 3%, theo Times Higher Education. Lý giải vấn đề, ông Trần Tiêu Dần - Phó Viện trưởng Viện đào tạo sau đại học của Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Đông, cho biết: "Về mặt số liệu, quy mô tuyển sinh sau đại học tăng nhanh, nhưng xét về cấu trúc ngành học, để đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học & công nghệ cũng như sự chuyển đổi của ngành công nghiệp, các trường vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao".
Ví dụ, đối với ngành Trí tuệ nhân tạo, ông cho biết, thống kê hiện nay Trung Quốc thiếu đến 5 triệu nhân tài trong lĩnh vực này. Không chỉ thiếu các nhà khoa học ,còn thiếu cả chuyên gia thành thạo kỹ thuật và có khả năng quản lý.
Cũng theo ông Dần, để giải quyết thực trạng dư thừa nguồn nhân lực "trình độ cao, việc làm thấp", các trường nên điều chỉnh cấu trúc đào tạo, đồng thời tối ưu hóa chương trình và tập trung giảng dạy những ngành đất nước đang thiếu hụt.
Đồng quan điểm, GS Uông Giai Lâm của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải (Trung Quốc), khẳng định, không thể xảy ra thực trạng dư thừa nhân lực trình độ cao nếu các trường liên tục tối ưu hóa cấu trúc chương trình nhằm tích hợp việc học, nghiên cứu và vận dụng kiến thức.
Thực tế, hệ sau đại học ở Trung Quốc tăng nhanh do nhiều sinh viên khó tìm việc nên chọn theo đuổi bằng cấp. Theo dữ liệu thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi tháng 3, riêng năm 2023, hệ sau đại học trên cả nước tuyển được 1.301.700 người, trong đó, thạc sĩ chiếm đến 1.148.400 học viên, còn tiến sĩ là 153.300 học viên
Tính đến nay, Trung Quốc có 3.882.900 học viên đang theo hệ sau đại học, trong đó thạc sĩ là 3.270.400 và nghiên cứu sinh là 612.500. Với sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ tiến sĩ và thạc sĩ, theo China Science News, số lượng tiến sĩ (PhD) ở Trung Quốc hiện nay thiếu hụt trầm trọng.
Nguyên nhân do sự mất cân đối trong đào tạo. Cụ thể, năm 2023, Trung Quốc chỉ tuyển 31.400/153.300 tiến sĩ chuyên nghiệp (Professional Doctorate), chiếm 20,48%. Như vậy, việc mở rộng tuyển sinh số lượng tiến sĩ chuyên nghiệp hàng năm, theo các chuyên gia giáo dục nước này, là cần thiết, đặc biệt trong các lĩnh vực như: Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ,...