Các thí sinh thi vào ĐH FPT cần rất tập trung và vận dụng tốt kiến thức nền tảng cũng như tư duy logic để hoàn thành 90 câu trắc nghiệm trong 120 phút. |
Kỳ thi sơ tuyển đầu tiên trong năm 2019 của ĐH FPT vừa được tổ chức vào ngày 12/5. Trong kỳ thi này, bài thi đầu tiên kéo dài 120 phút, nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi. Các nội dung tập trung đánh giá về mặt kỹ năng của thí sinh, bao gồm: kỹ năng tính toán, phân tích thông tin, tư duy logic…; 90 câu trắc nghiệm trong bài được xây dựng theo dạng đề GMAT, GRE và LSAT của Mỹ. "Đây chính là kiểu đề thông dụng để các ĐH trên toàn nước Mỹ lấy cơ sở chọn lựa những thí sinh ưu tú nhất trúng tuyển", đại diện ĐH FPT cho biết.
Đồng thời, kiểu đề này cũng khác so với lối ra đề truyền thống trong các kỳ thi Đại học – Cao đẳng, THPT Quốc gia. Một số thí sinh chưa quen nên gặp nhiều khó khăn trong việc tính toán khi đề thi yêu cầu không được sử dụng máy tính bỏ túi. Thí sinh Lê Đức Trọng (Minh Khai, Hà Nội) cho biết : “Đề toán logic không phải quá khó nhưng không được sử dụng máy tính nên tính toán sẽ tương đối dài. Em mất tương đối nhiều thời gian cho việc tính toán”.
Trái lại, do có sự chuẩn bị trước nên Nguyễn Văn Tuấn (Thái Thụy, Thái Bình) cho rằng: “Em không bất ngờ lắm với kiểu đề thi của ĐH FPT do đã ôn luyện từ trước. Em thấy kiểu đề thi này khá là hay và khác lạ so với đề thi của các trường khác cũng như của kỳ thi THPT Quốc gia”. Tuấn dự đoán mình làm tốt 60 - 70% bài thi.
Bài thi thứ hai nhằm đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh. Vẫn tiếp nối phong cách ra đề quen thuộc, câu hỏi năm nay đưa ra tình huống thực để thí sinh cùng bàn luận về phương pháp học ngoại ngữ.
Đề thi luận của ĐH FPT tiếp tục thách thức khả năng lập luận và thể hiện quan điểm của các thí sinh. |
Thời gian dành cho bài làm thứ hai chỉ kéo dài 60 phút nên thí sinh phải có sự phân chia thời gian cho hợp lý để có thể trình bày trọn vẹn quan điểm của bản thân.
Tỏ ra thích thú với kiểu ra đề này, thí sinh Trịnh Phương Thảo (Lê Chân, Hải Phòng) nhận xét: “Đề văn ra sát với thực tế nên em thấy rất hay. Nó không như các đề văn trong trường phổ thông. Em có thể tư duy những gì mình muốn mà không nhất thiết phải theo barem điểm của các thầy cô giáo”.
Cách ra đề thi khá “độc” trên được ĐH FPT duy trì từ năm đầu tuyển sinh (2007) đến nay. Nhiều năm, đề thi của trường đã tạo “bão dư luận” với việc đề cập tới những vấn đề gần gũi của cuộc sống, như: quan niệm về hạnh phúc, vấn đề trinh tiết của người phụ nữ; giá trị thực sự của tiểu thuyết, khoa học viễn tưởng…