Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi.
Chăn nuôi của tỉnh đang có những dịch chuyển nhanh chóng từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp; từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên chăn nuôi quy mô lớn.
Tuy nhiên, kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi ngày càng nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi luôn là vấn đề nan giải của ngành nông nghiệp.
Cách đây 2 năm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai Dự án “Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý hiệu quả chất thải chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” thực hiện tại xã Hợp Hòa, Sơn Nam và Đại Phú (Sơn Dương).
Đây được xem là giải pháp hữu hiệu xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh gia súc. Đến nay, dự án đã thu được những kết quả tích cực.
Lâu nay, người chăn nuôi ở các địa phương vẫn sử dụng và xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học…
Các giải pháp trên chỉ hiệu quả đối với các mô hình nhỏ lẻ, chăn nuôi theo hộ gia đình. Khi phát triển chăn nuôi lớn quy mô lớn thì các giải pháp này chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đề tài nghiên cứu đã kết hợp giữa hệ thống máy tách ép phân với hệ thống hầm biogas. Từ đó, giúp tận thu nguồn phân để làm phân bón cho cây trồng, hạn chế cặn lắng trong các hầm biogas chống quá tải hầm biogas, kéo dài thời gian sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước xả, tạo khí gas sử dụng trong đun, thắp sáng…
Hay nói đúng hơn, đây là công nghệ tách chất rắn và chất lỏng. Công nghệ này được ứng dụng rộng rãi ở các nước Châu Âu và mới bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2013 nhưng chủ yếu là ở các tỉnh phía Nam.
Anh Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú, xã Đại Phú (Sơn Dương) nuôi khoảng 150 con lợn thịt và 20 con lợn nái. Mặc dù anh đã xây dựng công trình biogas với rất nhiều bể xử lý, song vẫn vượt quá công suất thiết kế, do lượng chất thải và nước thải vượt quá công suất xử lý, gây ô nhiễm môi trường.
Trước đây, phân chuồng thải ra đều cho xuống hầm biogas, sau thời gian lắng lọc trong bể thì không lấy được phần phân này.
Khi tham gia dự án, gia đình anh được dự án hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi lợn, cùng hệ thống máy tách phân hiện đại để xử lý chất thải chăn nuôi.
Với máy tách phân, chất thải được thu xuống bể lắng, sau đó máy tách phân sẽ bơm hút, xử lý tách ép chất bã là chất thải rắn.
Từ chất bã này anh sử dụng ủ với men vi sinh, vôi, than hoạt tính tạo nên lượng phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, không có mùi, tơi xốp, tốt cho cây trồng và mỗi tháng gia đình anh có thêm khoản thu nhập từ số phân bón hữu cơ này.
Phần nước thải tách ra tiếp tục được cho xuống bể biogas vẫn tạo khí sinh học như bình thường. Sau đó, nước thải được thải qua hồ sinh học rồi mới thải ra môi trường nên đảm bảo trong xử lý ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, dự án đã triển khai kỹ thuật phối trộn khẩu phần thức ăn cân bằng dinh dưỡng giúp lợn hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, tiết kiệm thức ăn, giảm phát thải khí gây mùi mà vẫn đảm bảo được năng suất và chất lượng sản phẩm lợn thương phẩm.
Ứng dụng công nghệ vào xử lý chất thải chăn nuôi góp phần rất lớn vào bảo vệ môi trường, đặc biệt là tránh các ô nhiễm thứ cấp do động vật trung gian truyền bệnh gây ra; tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, các ứng dụng trên vẫn còn đang triển khai ở dạng mô hình, quy mô nhỏ, chưa được ứng dụng rộng rải, nhất là ở các trang trại lớn.
Việc ứng dụng thành công dự án ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn sẽ giúp người dân giải quyết được bài toán khó về môi trường, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng an toàn và bền vững.
Minh Phúc