Thời gian gần đây, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả nhất định, không chỉ qua các kênh phân phối lớn nhỏ trong nước, mà còn được tiêu thụ nhiều hơn qua các kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của mình qua các hoạt động văn hoá - du lịch.
Thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hoá hay chương trình kích cầu du lịch, nhiều tỉnh, thành đã thu hút rất nhiều khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm trực tiếp sản phẩm. Đây cũng là một trong những kênh phân phối tiềm năng, hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển thương mại và tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại Tọa đàm Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch do Tạp chí Công Thương tổ chức chiều 1/12, chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua, sau khi có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh cũng bắt đầu quan tâm đến chất lượng hàng hóa, cũng như phát triển thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông sản của tỉnh Tuyên Quang.
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, Tuyên Quang đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá qua nhiều kênh phân phối vừa truyền thống vừa hiện đại. Đặc biệt trong năm 2021, cùng với việc phát triển du lịch - văn hóa, việc tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang đã có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thông qua các hoạt động lễ hội và du lịch riêng có của tỉnh, du khách đến Tuyên Quang rất đông, đặc biệt là qua Lễ hội Thành Tuyên của tỉnh tổ chức hàng năm đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Khi đến Tuyên Quang, các khách du lịch ai cũng muốn mua những sản phẩm của địa phương đó để sử dụng hoặc làm quà tặng.
Vì vậy, phương thức tiêu thụ thông qua hoạt động văn hoá - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích và giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa tỉnh Tuyên Quang có thể bán cũng như giới thiệu được sản phẩm đến với thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm hiện nay đang có những chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi hay chè Shan Tuyết của tỉnh được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.
Cũng theo ông Lộc Kim Liễn, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã định hướng một số nội dung cần phải làm để giúp bà con bán hàng tốt hơn. Giữa hoạt động thương mại với hoạt động du lịch có sự gắn kết rất chặt chẽ và Tuyên Quang trong nhiệm kỳ này chú trọng phát triển du lịch là khâu đột phá, lấy kinh tế du lịch là kinh tế trọng tâm. Vì vậy, tỉnh tập trung phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch lịch sử, homestay, du lịch vào rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, tắm bùn ở suối khoáng,…
Cùng với đó, Sở Công Thương đã có định hướng xây dựng điểm bán hàng tại những vùng phát triển du lịch tốt, xây dựng điểm bán hàng đặc biệt OCOP; phát triển kinh tế đêm kèm bán sản phẩm nông sản để du khách vừa đến chơi, vừa có thể thưởng thức ẩm thực, mua bán sản phẩm dịch vụ và sản phẩm lưu niệm.
Để giúp bà con tiếp thị và bán sản phẩm miền núi, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động thương mại với hoạt động du lịch, với phương châm phát triển du lịch là khâu đột phá, lấy kinh tế du lịch là kinh tế trọng tâm. Cùng với phát triển du lịch, thương mại đi theo bằng việc xây dựng những điểm bán hàng, nhất là điểm bán hàng OCOP tại những vùng, khu du lịch.
Khánh Hòa, Thu Hà, Bạt Tuấn