Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, gắn với lợi ích nhân dân, phù hợp với từng địa phương nên phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Thành công lớn nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là quá trình thay đổi nhận thức của đại đa số người dân về Chương trình. Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trong đó chú trọng xây dựng chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm; tăng cường tuyên truyền, vận động theo hướng trực tiếp đến từng đối tượng.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở đã tiến hành tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, khu dân cư, tổ dân phố về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trước hết là những tiêu chí có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đến nay, nhận thức của đại đa số nhân dân ngày càng được nâng cao. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy, chủ động tham gia đóng góp ngày công, tiền của làm công trình công cộng. Mỗi địa phương đều có cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện của mình.
Sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cán bộ thôn, bản đã tạo sự chuyển biến lớn cho Chương trình, thống nhất nhận thức “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, người dân là chủ thể”.
Trong năm 2023, đã vận động nhân dân tham gia hiến hơn 37.700m2 đất, gần 30.000 ngày công, trên 6,4 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, đường bê tông nội đồng, lắp đặt camera an ninh, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, xây dựng tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê”, thực hiện mô hình “Tuyến đường hoa kiểu mẫu”, tuyến đường cờ... Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia trồng mới trên 50.000 cây xanh hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Trên cơ sở hiệp thương, phối hợp hoạt động với các tổ chức thành viên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng nông thôn mới và thực hiện lồng ghép trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Các hoạt động của Mặt trận luôn được tiếp nối hướng về cơ sở, khu dân cư, ngày càng chú trọng chất lượng, hiệu quả, hướng vào việc trọng tâm của địa phương bằng những hoạt động, việc làm thiết thực.
Tập trung tổ chức triển khai Đề án xoá nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo làm mới, sửa chữa nhà ở.
Kết quả, năm 2023 đã thực hiện làm mới và sửa chữa nhà cho 2.055 hộ nghèo (làm mới 1.692 hộ, sửa chữa 363 hộ) với kinh phí thực hiện trên 300 tỷ đồng. Lũy kế sau hơn 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã làm mới và sửa chữa nhà cho 4.519 hộ nghèo/3.820 hộ, đạt 118,2% so với cả giai đoạn 2021 - 2025 (làm mới 3.934 hộ, sủa chữa 585 hộ) với tống kinh phí thực hiện trên 568 tỷ đồng.
Duy trì và thực hiện có hiệu quả Dự án phát triển chăn nuôi bò sinh sản, tạo sinh kế cho hộ nghèo. Năm 2023 đã trao 200 con bò cho 100 hộ nghèo tham gia dự án liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông tại 6 xã của các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên với tống trị giá trên 4 tỷ đồng.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6, huy động được đông đảo đoàn viên, hội viên và hhân dân tham gia hưởng ứng; Tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng cho 111 mô hình tự quản có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục tuyên truyền duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tự quản về bảo vệ môi trường; Tổ chức các hoạt động thực hiện phong trào, bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể.
Kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tạo sự lan tỏa sâu rộng. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường, phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình. Nâng cao ý thức, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Qua đó, góp phần thực hiện tiêu chí Môi trường.
Quá trình lồng ghép triển khai các phong trào đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn khu dân cư. Khơi dậy truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả của phong trào đã góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.