Với mục tiêu thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững, ngày 14/4/2023 Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Để Chương trình triển khai sâu rộng đến cơ sở, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các sở ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền các quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp nêu trong kế hoạch của tỉnh. Các đơn vị theo phân công nhiệm vụ trong kế hoạch tăng cường công tác tổ chức triển khai thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện kế hoạch; đồng thời đẩy mạnh triển khai những kế hoạch liên quan về thu gom chất thải sinh hoạt, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM), quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến hết năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 15 lớp tập huấn IPHM với 405 nông dân tham gia; xây dựng 15 mô hình IPHM trên các cây trồng: Lúa, ngô, rau, cam, bưởi, chè với diện tích thực hiện 63 ha tại các huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang. Cùng với đó là tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho 210 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra tổ chức 12 lớp tập huấn với 449 người tham dự về thiết lập, quản lý mã số vùng trồng... Qua công tác tập huấn đã thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất của người nông dân theo hướng chuyên nghiệp hơn qua đó góp phần nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, đồng thời hướng đến một ngành nông nghiệp minh bạch, bền vững và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ sau sử dụng theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh lắp đặt được 6.285 bể chứa và 44 nhà kho lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức cho các hội viên ký cam kết tuân thủ “4 đúng” về sử dụng thuốc an toàn thực phẩm. Hướng dẫn người dân sử dụng chai nhựa, túi ni lông làm được 44.683 viên “gạch sinh thái” xây dựng 139 công trình như bàn ghế, bồn hoa, tường rào, cổng nhà văn hóa...
Toàn tỉnh hiện có 412 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Hết năm 2023, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh ước đạt 96,5%.
Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, vận hành hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục được chú trọng. Các hội, đoàn thể tăng cường vận động nhân dân thu gom, xử lý rác thải đạt hiệu quả (kết quả: rác thải nông thôn được thu gom và xử lý đạt khoảng 40%). Đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 74 xã hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.
Với những kết quả đạt được, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xây dựng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 và những năm tiếp theo để thực hiện hoàn thành các mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh tiếp tục tuyên truyền về tác hại, ảnh hưởng của bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa; các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải nhựa, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, lắp đặt bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và nhân dân để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, có kiểm soát, đảm bảo môi trường chăn nuôi…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm trong bộ tiêu chí quốc gia xã NTM giai đoạn 2021-2025 với 12 chỉ tiêu, trong thời gian tới, cần duy trì thường xuyên hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác; đẩy mạnh công tác phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, đảm bảo chỉ tiêu thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu chăn nuôi.
Huệ Anh