Trong chương trình này, Tuyên Quang đặt mục tiêu mỗi trạm y tế thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao sẽ tăng cường tổ chức tuyên truyền về làm mẹ an toàn; các phụ nữ mang thai tại địa phương được phổ biến kiến thức mang thai khỏe mạnh, trẻ em được tư vấn chăm sóc dinh dưỡng. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và chồng của họ cũng được phổ biến kiến thức về làm mẹ an toàn, sức khỏe cho con.
Tại xã Sơn Phú, huyện Na Hang, nhiều hoạt động tổ chức tuyên truyền cho chị em phụ nữ, các gia đình vùng dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được tổ chức.
Sơn Phú là xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Na Hang, có hơn 3.225 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, Kinh, Dao, H’Mông. Người dân chủ yếu làm nương rẫy, không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phụ nữ mang thai không đến trạm y tế xã khám thai hay tiêm phòng theo quy định. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh không đúng cách dẫn đến tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi.
Chị Hà Thị T. (xã Sơn Phú) tới tham dự buổi tư vấn truyền thông mang thai an toàn cho biết, hai bận đầu sinh nở chị đều không có kiến thức chăm sóc từ khi mang thai tới sau sinh nên các bé đều thiếu chất.
Đợt mang thai lần thứ ba, chị T. được cán bộ y tế tư vấn khám thai, tiêm ngừa uốn ván và tư vấn về dinh dưỡng đủ chất cho mẹ và bé.
Nhờ đó, chị T. đã biết ăn gì cho thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển. Hằng ngày, hai vợ chồng chị cũng tự nấu những thực phẩm tốt cho sự phát triển của trẻ.
Gia đình chị T. cũng được hội phụ nữ xã tư vấn nuôi thêm gà để lấy trứng bổ sung dinh dưỡng hằng ngày. Đặc biệt, chồng chị T. được phổ biến kiến thức chia sẻ chăm con với vợ.
Theo y sĩ Quan Trung Sỹ, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Phú, đơn vị đã cử nhân viên y tế tới từng thôn bản tuyên truyền cho các hộ gia đình về chăm sóc sức khỏe mang thai và sau sinh. Nhiều cuộc trò chuyện được tổ chức để chia sẻ về vấn đề sức khỏe sinh sản, tư vấn cho phụ nữ mang thai cần khám thai và sinh con ở các cơ sở y tế. Vấn đề dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em cũng được phổ biến rộng rãi. Từ đó, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai đã được tiêm ngừa uốn ván.
Nhiều năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm 2023, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tập huấn tại cơ sở cho các cán bộ y tế ở trạm y tế, y tế thôn bản, các xã vùng III về chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 2 tuổi, truyền thông giáo dục cho bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Hiện tại, Tuyên Quang đang triển khai triển khai tuần lễ Làm mẹ an toàn tại 46 xã vùng III, đối tượng là các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (ưu tiên thanh niên trong độ tuổi kết hôn, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ)...
Đến nay, tỷ lệ phụ nữ vùng dân tộc thiểu số mang thai được khám thai định kỳ ít nhất 4 lần chiếm 75%, sinh con tại cơ sở y tế là 80%, chăm sóc tại nhà sau sinh đạt 75%, phụ nữ được hỗ trợ sàng lọc xét nghiệm trước sinh đạt 50%.
Khó khăn trong công tác thực hiện các mục tiêu về chăm sóc y tế, phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang là các nguồn lực còn hạn chế, đi lại khó khăn.
Để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại những vùng đặc biệt khó khăn, ngành y tế tỉnh mong muốn được duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản.
Hiện nay, do phong tục tập quán nên cán bộ y tế là người dân tộc khác rất khó tiếp cận đồng bào dân tộc thiểu số khi sinh nở, kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên còn thấp nên họ thiếu sự nhiệt tình thực thi nhiệm vụ được giao.