Tuyên Quang, một tỉnh nằm sâu trong vùng núi phía Bắc Việt Nam, đang nỗ lực đầu tư phát triển đất ở, đất sản xuất và hạ tầng cơ sở nhờ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với những thành quả bước đầu, chương trình đã tạo ra sự thay đổi tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ những hộ gia đình DTTS có nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Với tổng số tiền 50 triệu đồng/hộ hỗ trợ của nhà nước, trong đó, 40 triệu đồng từ Chương trình MTQG 1719, 10 triệu đồng từ ngân sách địa phương, nhiều hộ đã có thể vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở kiên cố.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.276 hộ nghèo vùng DTTS và miền núi của tỉnh có được mái ấm. Mục tiêu trong năm 2024 sẽ hỗ trợ thêm 326 hộ dân có nhu cầu về nhà ở. Cùng với nhà ở, tỉnh Tuyên Quang đã và đang nỗ lực giải quyết nhu cầu bức thiết về đất ở cho một bộ phận đồng bào DTTS trên địa bàn. Theo rà soát, giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 106 hộ thiếu đất ở sẽ được hỗ trợ.

Theo ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: ngày 31/12/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 49/2022/QĐ-UBND quy định về định mức đất sản xuất để thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương đã rà soát, bố trí quỹ đất và triển khai hỗ trợ đất sản xuất cho nhiều hộ có nhu cầu cấp thiết. Riêng năm 2024, thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh, Tuyên Quang sẽ hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 16 hộ. Để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho hộ DTTS thuộc đối tượng thụ hưởng Dự án 1, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tập trung thực hiện nội dung chuyển đổi nghề cho hộ có nhu cầu. Theo rà soát, toàn tỉnh có khoảng 11.054 hộ sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Từ khi thực hiện đến tháng 5/2024, tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.978 hộ có nhu cầu. Tính riêng trong năm 2024, tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.840 hộ gia đình thuộc đối tượng của Chương trình.

Song song với đó, phát triển hạ tầng cơ sở là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao đời sống của bà con vùng DTTS, nhờ vào nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hàng loạt các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, từ việc xây dựng các công trình giao thông, trường học, đến hệ thống nước sinh hoạt và thủy lợi.

Việc thực hiện triển khai Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Tuyên Quang đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Những hỗ trợ thiết thực về nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp, và phát triển hạ tầng cơ sở đã giúp đời sống của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực từ phía chính quyền tỉnh và sự đồng lòng của người dân, Chương trình MTQG 1719 từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, xã hội, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng một tương lai ấm no, hạnh phúc.