Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng, đi tiên phong, tạo tiền đề cho đầu tư xây dựng theo từng phân khu, từng vùng. Việc thực hiện các quy hoạch nông thôn mới tác động lớn đến đời sống người dân nông thôn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới.
Qua khảo sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy, toàn tỉnh hiện có 43/62 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới không đạt tiêu chí quy hoạch, do chưa có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt.
Trong đó, huyện Lâm Bình 3/3 xã, huyện Na Hang 3/4 xã, huyện Yên Sơn 12/14 xã, huyện Chiêm Hóa 9/12 xã, huyện Hàm Yên 8/11 xã, huyện Sơn Dương 6/13 xã và TP Tuyên Quang 2/5 xã chưa đạt tiêu chí quy hoạch.
Như vậy, tỉnh Tuyên Quang mới chỉ có 19 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới được phê duyệt quy hoạch chung, trong đó có 2 xã được phê duyệt quy hoạch đô thị mới là Hồng Lạc và Sơn Nam, huyện Sơn Dương.
Không có quy hoạch cấp xã không chỉ ảnh hưởng đến việc định hình thế mạnh, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của xã mà còn ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các dự án lớn của tỉnh.
Ông Hoàng Vĩnh Hà, Trưởng phòng Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng huyện là của UBND cấp huyện và UBND các xã có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch nông thôn thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất theo quy định của Luật Quy hoạch. Đồng thời, tăng cường công tác đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức lập kế hoạch, danh mục các đồ án quy hoạch lập mới.
Sở Xây dựng luôn đặc biệt quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng lập quy hoạch chung xã, trọng tâm là các xã đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng cấp tỉnh, Sở thường xuyên hướng dẫn, đồng thời tổ chức tập huấn hàng năm cho cán bộ làm công tác quy hoạch ở cấp huyện và cấp xã về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tại địa phương.
Bên cạnh đó, các đồ án quy hoạch chung xã đều được Sở nghiên cứu, góp ý kiến cụ thể, nhanh chóng từ bước lập nhiệm vụ đến lập đồ án đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất theo quy hoạch tỉnh và pháp luật có liên quan về quy hoạch xây dựng cũng như tiến độ đề ra.
Sau khi Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 479/QĐ-UBND chỉ đạo việc lập và triển khai đồng bộ các loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch nông thôn.
Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm trễ và có nhiều vướng mắc, do cả yếu tố chủ quan và khách quan. Ngoài yếu tố nguyên tắc, thời gian, hiện ngân sách bố trí cho công tác quy hoạch còn nhiều khó khăn cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ này.
Trước bối cảnh đó, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lập quy hoạch, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn tỉnh.
Theo ông Hoàng Văn Tùng, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Na Hang, trên cơ sở quy hoạch cũ, các xã trên địa bàn đang tập trung điều chỉnh, đảm bảo tiến độ trong năm nay.
Tính đến hết tháng 6, đã có 51 xã có đồ án trình Sở Xây dựng để thống nhất ý kiến trước khi phê duyệt theo quy định.
Quy hoạch luôn đi trước một bước, là cơ sở quan trọng để định hướng, tổ chức không gian xây dựng nông thôn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Do đó, việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, qua đó, góp phần đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.