Trong những năm qua, mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng thu nhập cho nông dân, từng bước thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Kinh tế trang trại ngày càng được người dân chú trọng đầu tư phát triển. Cùng với đó là các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, về phát triển kinh tế trang trại, thành lập hợp tác xã, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Qua đó đã tạo động lực đẩy mạnh sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Việc phát triển kinh tế không chỉ tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn, tập trung, mang lại thu nhập cao, mà còn góp phần giải quyết việc làm thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương; giúp nông dân phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất gắn với thị trường.
Thông qua những mô hình này, người dân địa phương có cơ hội tiếp cận, học hỏi cách làm hay và từng bước nhân rộng trên địa bàn. Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 335 trang trại, trong đó có trên 500 trang trại được vay vốn; tổng số vốn đầu tư từ nguồn ngân sách là gần 200 tỷ đồng hỗ trợ các trang trại về các chính sách như khuyến nông, khoa học kỹ thuật; tín dụng; chính sách lao động, đào tạo và thị trường.
Là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây ăn quả, những năm qua, các xã trên địa bàn huyện Hàm Yên có rất nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả theo hướng trang trại, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình ông Đặng Duy Tiến, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên với gần 3 nghìn trụ thanh long đã đạt thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng. Xác định làm sản phẩm sạch, an toàn, gia đình ông Tiến đã sử dụng phân bón hữu cơ để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Mô hình này đã được địa phương chọn làm điểm để xây dựng Vườn mẫu nông thôn mới đảm bảo các tiêu chí về quy hoạch, cảnh quan môi trường sinh thái, áp dụng khoa học kỹ thuật.
Phát huy lợi thế của địa phương, hàng chục năm nay, chị Phạm Thị Vân, thôn 13 Minh Quang, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên đầu tư nuôi vịt bầu đặc sản. Với 5 máy ấp trứng, công suất mỗi máy gần 1 vạn quả, hàng tháng gia đình chị Vân sản xuất một lượng lớn con giống phục vụ chăn nuôi của bà con nông dân trong và ngoài xã; duy trì nuôi trên 1 nghìn con mỗi lứa. Mô hình chăn nuôi này được xây dựng trên 3 nguyên tắc là an toàn về giống; an toàn về chuồng trại, thức ăn và an toàn về phòng và điều trị bệnh cho gia cầm. Chính vì vậy, sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng cũng như thu nhập.
Hiện nay, huyện Hàm Yên có 144 trang trại với tổng diện tích đất sản xuất gần 1 nghìn ha; tổng doanh thu năm 2022 đạt gần 280 tỷ đồng; bình quân đạt gần 1 tỷ 500 triệu đồng/trang trại; thu lãi đạt trên 700 triệu đồng đối với mỗi trang trại. Các trang trại trên địa bàn huyện Hàm Yên chủ yếu tập trung vào trồng trọt chiếm tỷ lệ trên 95%.
Từ những chủ trương đúng đắn, cách làm hay trong phát triển kinh tế trang trại đã giúp nhiều chủ hộ trang trại trên địa bàn huyện Hàm Yên có thu nhập khá, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện đi lên vững chắc. Đây là đòn bẩy quan trọng trong chiến lược nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, từng bước đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân đi vào thực tiễn.
Ở huyện Yên Sơn, xã Tân Tiến có nhiều mô hình đạt thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương. Với hơn 4 ha đất canh tác, ông Hứa Thiên Khai ở thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn đã quy hoạch tạo nên một hệ thống canh tác tổng thể sử dụng hợp lý quỹ đất và nguồn nước là một ví dụ tiêu biểu.
Hội Nông dân xã còn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nhân rộng các mô hình trên địa bàn để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Cùng với việc tuyên truyền, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, các địa phương trong toàn tỉnh Tuyên Quang cũng chủ động xây dựng, thực hiện các quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; kế hoạch phát triển kinh tế trang trại theo từng giai đoạn. Đồng thời triển khai hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo tập huấn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kết nối thị trường, lồng ghép các chương trình, dự án tạo nguồn lực cho người dân để mở rộng quy mô sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Từ thực tế phát triển kinh tế trang trại đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Hiệu quả lớn nhất là sử dụng nguồn lợi đất đai, từ sản xuất người nông dân tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý và sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, chủ động tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua những mô hình này, người dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi cách làm hay, mô hình tốt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gia đình, làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần, góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.