Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, tỉnh Nghệ An có chủ trương di dân đến vùng miền Tây tỉnh này để làm kinh tế mới. Khu vực đồi núi vùng phủ Quỳ nhanh chóng trở thành những nông, lâm trường bát ngát. Cũng từ đó, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn được hình thành để phục vụ người dân, vận chuyển hàng hóa.
Tuyến đường sắt này dài khoảng 32km, xuất phát từ thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu), đi huyện Nghĩa Đàn (nay thuộc địa phận thị xã Thái Hòa). Toàn tuyến có 3 nhà ga, 6 trạm gác chắn. Trong ảnh là một khúc đầu đường sắt thuộc huyện Quỳnh Lưu.
Tuyến đường sắt được mở ra giúp kết nối khu vực đồng bằng với khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Mỗi ngày có 4 chuyến tàu qua lại vận chuyển hàng hóa, khoáng sản và có cả vũ khí, đạn dược từ đồng bằng lên miền núi rồi theo đường rừng chuyển vào Nam, tới chiến trường.
Những năm 70, tuyến đường sắt hoạt động hiệu quả do thời điểm này các phương tiện giao thông ít, đường bộ cách trở. Việc các chuyến tàu qua lại góp phần thúc đẩy sự phát triển của các huyện miền núi Nghệ An.
Đến đầu năm 1990, vùng phủ Quỳ rộ lên phong trào đào đá đỏ, đá quý. Thời điểm này tuyến đường sắt hoạt động hết công suất. Có những ngày tàu chạy 4 chuyến, bán cả hơn 2.000 vé vẫn không đủ phục vụ người dân. Trong ảnh là một nhà ga bị bỏ hoang thuộc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Chỉ được ít năm sau, khi các tuyến đường bộ phát triển, nhiều phương tiện giao thông xuất hiện nên các chuyến tàu dần thưa thớt khách.
Năm 2006, sau nhiều năm gắng gượng, ngành đường sắt phải dừng hoạt động vận tải hành khách trên tuyến này. 6 năm sau, chuyến tàu hàng cuối cùng cũng đã ngừng hẳn.
Cả chục năm không còn phục vụ tàu chạy, những dãy nhà ga dần rơi vào cảnh tan hoang, cột trụ bong tróc.
Không còn hoạt động, tuyến đường sắt cũng trở thành điểm chăn thả gia súc của người dân địa phương và nơi chơi đùa của trẻ nhỏ.
Dọc đường ray, cỏ mọc um tùm, hàng loạt điểm giao nhau với đường bộ cũng đã bị đắp đất đá để thuận tiện hơn trong đi lại.
Một điểm tuyến đường sắt bị núi sạt lở vùi lấp.
Dù không còn tàu chạy, nhưng mỗi năm ngành đường sắt vẫn phải chi trả tiền tỉ cho việc bảo vệ, duy tu tuyến đường. Vì sự tốn kém này, đến năm 2014, ngành phải cắt giảm nhân lực, chỉ giữ lại 10 nhân viên bảo vệ.
Trao đổi với báo chí, ông Cao Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, trước đây mỗi năm ngành giao thông đầu tư kinh phí hơn 6 tỉ đồng cho việc duy tu bảo dưỡng tuyến đường này. Hiện tại, số tiền này đã cắt xuống còn gần 1,4 tỉ đồng để chi trả lương cho nhân viên bảo vệ.
"Hiện vẫn chưa có kế hoạch bỏ, hay đưa vào khai thác lại tuyến đường sắt này. Dù chưa biết số phận tuyến đường sắt này sẽ đi về đâu, nhưng công ty vẫn luôn đảm bảo lực lượng bảo vệ tránh bị kẻ xấu phá hoại, tháo trộm sắt...", ông Hùng nói.
Nhiều năm bị bỏ hoang, nhiều tài sản, đường ray đã dần xuống cấp và hư hỏng.
(Theo Doanh Nghiệp Tiếp Thị)