- Phương án di dời ga Gò Vấp do giao cắt tuyến đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài đã tạm gác lại sau buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng với lãnh đạo UBND TP.HCM.
Chiều ngày 10/07, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM. Trong các vấn đề “nóng” nhất về hạ tầng giao thông trên địa bàn, UBND TP.HCM đặc biệt chú ý đến việc di dời ga Gò Vấp do ảnh hưởng đến tiến độ tuyến Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài.
Định chi 130 tỷ…
Theo dự kiến chi phí di dời ga Gò Vấp khoảng 84 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 50 tỷ đồng. Đây là thông tin mà UBND TP.HCM nêu trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về vấn đề giải phóng mặt bằng và di dời ga Gò Vấp phục vụ thi công tuyến Tân Sơn Nhất- Bình Lợi - Vành đai ngoài.
Sơ đồ tuyến Tân Sơn
Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài đoạn qua Gò Vấp.
Ga Gò Vấp (còn gọi là Xóm Thơm, phường 3, quận Gò Vấp) có diện tích khoảng 18.000 m2 với 5 đường ray. Trong đó, đường số 3 chính tuyến dài 1206m được dùng tác nghiệp kỹ thuật chạy tàu.
Các đường ray còn lại rất ít sử dụng: đường số 2, số 3 được thiết kế để đón gửi, 2 đường cụt để xếp dỡ. Hiện nay, không có đường giao thông cộng cộng nào kết nối vào ga Gò Vấp để có thể vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Người dân ở khu vực này trước đây thường ra vào ga Gò Vấp bằng một đường hẻm chỉ khoảng 3-4 mét. Vào cao điểm phục vụ của ngành đường sắt (dịp hè và tết âm lịch) do trục trặc về giờ chạy tàu, các tàu thường được đón gửi vào ga để đảm bảo giờ xuất phát cho các tàu khác hay để kịp thời giải phóng đường ray tại ga Sài Gòn.
Sẽ không có gì để nói nếu như nhà ga này không giao cắt với dự án Tân Sơn Nhất- Bình Lợi - Vành đai ngoài. Theo báo cáo của quận Gò Vấp, sẽ phải di dời khoảng 100 hộ dân mới có thể di dời được ga này ra khỏi phạm vi dự án.
Vào tháng 05/2012, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, là chủ đầu tư di dời hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đã dự kiến tiến hành di dời ga đường sắt này để khai thông tuyến Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài.
Một chỉ thị khác mới đây của lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu UBND các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng - tái định cư để bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài ngay trong tháng 11/2012.
…nhưng không hiệu quả
Tại buổi giám sát của Ban kinh tế ngân sách TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Dự án tân Sơn Nhất- Bình Lợi-Vành đai ngoài đã hoàn thành 54% khối lượng công việc. Dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành toàn tuyến”.
Tuyến Tân Sơn Nhất-
Bình Lợi- Vành đai ngoài khi đưa vào sử dụng sẽ giúp giải tỏa một lượng lớn
phương tiện ở các điểm ùn ứ.
Chính vì vậy, ngoài bốn điểm “vướng” khác gồm hơn 40 hộ dân và một số công ty, cơ sở khác chưa thể giải tỏa thì ga Gò Vấp chính là bài toán khó nhất của tuyến đường trọng điểm này.
Phương án đã đưa ra là dịch chuyển mặt bằng ga về phía Nam khoảng hơn 180 mét. Thời gian thực hiện từ tháng 01/2013 đến tháng 6/2013. Tuy nhiên, đây chỉ là dự kiến vì thời gian thi công phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tín nhận định, việc tồn tại ga Gò Vấp đối với ngành đường sắt là do lịch sử để lại, không có giá trị khai thác, chỉ sử dụng trong những tình huống đột xuất và hoàn toàn khắc phục được.
Do đó, việc bỏ kinh phí khoảng 84 tỷ đồng để di dời và 50 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng nhà dân là hiệu quả thấp, thật sự không cần thiết, đồng thời kéo dài thời gian chậm đưa tuyến đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài vào sử dụng.
Vì vậy, thành phố kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, chấp thuận phương án trước mắt cho tháo ghi, xây dựng đường ngang mới, giữ nguyên hiện trạng ga Gò Vấp, không giải phóng mặt bằng.
Theo đề xuất mà lãnh đạo TP.HCM đưa ra, về lâu dài, khi triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt trên cao Trảng Bom- Hòa Hưng sẽ xây dựng lại ga Gò Vấp cho đồng bộ.
Quốc Quang