Khi Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, hợp đồng làm việc của viên chức sẽ có nhiều thay đổi.
Xem xét năng lực để ký tiếp hợp đồng không xác định thời hạn
Hiện nay, theo quy định tại điều 25 Luật Viên chức đang có hiệu lực, người mới trúng tuyển vào viên chức sẽ được ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ 12 - 36 tháng trừ: Cán bộ, công chức được chuyển sang viên chức khi đáp ứng các điều kiện tuyển dụng viên chức; Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển làm viên chức khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc.
Sau khi thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn, viên chức sẽ được ký Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Khi đó, hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Đây có thể coi là chế độ "biên chế suốt đời" của viên chức.
Khi Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, hợp đồng làm việc của viên chức sẽ có nhiều thay đổi |
Tuy nhiên, theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 19-5-2018, để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, sắp tới sẽ có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời".
Thực hiện theo tinh thần này, Luật Viên chức đã được sửa đổi, bổ sung đã có nhiều quy định mới về hợp đồng làm việc của viên chức, cụ thể: Áp dụng hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 - 36 tháng với viên chức được tuyển dụng mới từ 1-7-2020; Áp dụng hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020; Viên chức được tuyển dụng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn...
Từ quy định này có thể thấy, từ 1-7-2020, khi Luật sửa đổi chính thức có hiệu lực, người được tuyển dụng mới sau khi thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn sẽ không còn được ký tiếp hợp đồng làm việc không xác định thời hạn như quy định hiện nay mà thay vào đó sẽ được xử lý theo quy định tại khoản 3, điều 2 Luật sửa đổi như sau: Trước khi hết hạn 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức; Nếu đơn vị còn nhu cầu và viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thì sẽ ký tiếp hợp đồng với viên chức. Ngược lại viên chức sẽ không được ký tiếp mà nhận được văn bản từ chối với lý do rõ ràng.
Do đó, người trúng tuyển mới sẽ không được hưởng chế độ "viên chức suốt đời" nữa. Sau khi hết hạn hợp đồng, tùy vào nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập và năng lực của người đó để quyết định có ký tiếp hợp đồng nữa không.
Không phải mọi trường hợp đều được hưởng chế độ "viên chức suốt đời"
Khoản 2, điều 2 Luật sửa đổi nêu rõ: Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được áp dụng với trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020…
Không phải mọi trường hợp trúng tuyển viên chức trước ngày 1-72020 đều được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn |
Tuy nhiên, tại khoản 10, điều 2 Luật sửa đổi lại bổ sung thêm quy định: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020 nhưng chưa được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết. Sau khi hết hạn hợp đồng thì được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định
Có thể hiểu, không phải mọi trường hợp trúng tuyển viên chức trước ngày 1-72020 đều được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hay gọi cách khác là được hưởng chế độ "viên chức suốt đời" mà còn phải căn cứ vào loại hợp đồng người này đã ký trước đó: Nếu ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn thì tiếp tục hưởng chế độ "viên chức suốt đời"; Nếu chỉ ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn thì sau khi hết hạn, viên chức phải đáp ứng các điều kiện theo quy định mới được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Ngược lại sẽ không được được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Đồng nghĩa, người này sẽ không được hưởng chế độ "viên chức suốt đời".
Do đó, để biết được điều kiện cụ thể sẽ chờ Chính phủ hướng dẫn trong thời gian tới.
(Theo NLĐ)