Tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway - APG) được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư.
Dự án đầu tư hệ thống cáp quang biển APG đã thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)… và có 4 nhà mạng Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom. Có chiều dài 10.400 km, tuyến cáp APG đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, kết nối các điểm tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong bối cảnh AAG (Asia America Gateway) - tuyến cáp đóng vai trò quan trọng trong kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế những năm qua, lại liên tục gặp sự cố, việc tuyến cáp APG chính thức vận hành từ cuối năm ngoái đã được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp kết nối mạng Internet từ Việt Nam đi quốc tế nhanh và ổn định hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp biển AAG.
Chia sẻ với ICTnews hồi cuối tháng 12/2016, ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã nhận định: “Rõ ràng việc tuyến cáp biển APG được đưa vào khai thác đã gia tăng tính an toàn cho Internet Việt Nam, đồng thời giảm sự phụ thuộc lớn vào tuyến cáp biển AAG”. Cũng theo nhận định của đại diện VIA tại thời điểm cuối năm ngoái, tuy các ISP tại Việt Nam chưa thông tin chính xác về dung lượng qua cáp APG, nhưng có thể thấy là khi AAG đứt, Internet từ Việt Nam đi quốc tế dù vẫn bị ảnh hưởng nhưng thời gian ảnh hưởng đã ít hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, mới nửa năm từ thời điểm được đưa vào vận hành chính thức, tuyến cáp biển APG đã có tới 2 lần gặp sự cố. Cụ thể, lần đầu tiên vào cuối năm ngoái, khi APG gặp 2 sự cố đồng thời vào ngày 31/12/2016 tại các vị trí gần Singapore và Chongming - Trung Quốc dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore trên tuyến cáp biển này.
Và lần thứ hai vừa xảy ra vào 16h ngày 20/6/2017, cáp APG được xác định bị đứt tại vị trí cách trạm cập bờ Đà Nẵng 125 km. Theo đại diện CMC Telecom - một trong những ISP tham gia đầu tư tuyến cáp biển APG, sự cố xảy ra ngày 20/6với APG là sự cố lớn, làm mất 100% dung lượng APG vào Việt Nam; đã gây ảnh hưởng lớn tới các ISP và các khách hàng cuối. Các truy cập Internet ra hướng quốc tế đều bị sụt giảm và thậm chí là không thể truy cập ngay sau khi sự cố xảy ra.
Trả lời câu hỏi về việc liệu tuyến cáp biển APG có trở thành “phiên bản thứ hai” của AAG vốn liên tục bị gián đoạn hay không?, Tổng thư ký VIA Vũ Thế Bình cho biết: “Chúng tôi chưa đủ thông tin để đánh giá và so sánh APG với AAG. Tôi nghĩ chúng ta cần thêm thời gian để có thể nhận định chính xác hơn. Nhưng tôi tin là đơn vị triển khai APG đã có đủ các thông tin về tình trạng hoạt động của AAG và tính đến các điểm yếu của AAG và thiết kế để APG tránh vấn đề mà AAG gặp phải”.
Ông Vũ Thế Bình cũng nhấn mạnh: “Trong mọi trường hợp thì APG đã tăng tính an toàn và dự phòng cho Internet Việt Nam lên rất nhiều”.
Bình luận về vấn đề này, đại diện CMC Telecom khẳng định, việc các ISP lớn của Việt Nam và trong khu vực cùng chung tay đầu tư tuyến cáp quang biển APG thể hiện nỗ lực của các ISP trong việc đảm bảo kết nối toàn cầu thông suốt, đa dạng kết nối, đối phó những rủi ro đã gặp như với tuyến AAG.
“Với APG tuy đã 2 sự cố đã xảy ra nhưng sự cố cáp biển cũng do nhiều nguyên nhân. Đây là một tuyến cáp biển mới đưa vào vận hành, cần thời gian sử dụng để đánh giá chính xác. Còn trên thiết kế thì khẳng định APG là tuyến cáp băng thông lớn, được thiết kế theo các tiêu chuẩn tiên tiến, tránh được các lỗi đã xảy ra với các tuyến cáp trước”, đại diện CMC Telecom cho biết.
Đề cập đến việc các ISP phải làm sao để dung hòa giữa việc có nhiều phương án dự phòng nhằm đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ với vấn đề tối ưu hóa chi phí để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của nhà mạng, đại diện VIA cho hay: “Các sự cố xảy ra với các tuyến cáp biển thường được xếp vào loại hình “bất khả kháng” và không thể dự đoán trước. Do đó, các ISP đều phải tính toán và chuẩn bị các phương án dự phòng chủ động cho chính mình để phục vụ khách hàng. Còn chính sách dự phòng cụ thể thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, đối tượng khách hàng của từng ISP”.
Chia sẻ thêm về những giải pháp cần triển khai để có thể duy trì ổn định, đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam thời gian tới, đại diện VIA cho rằng, dịch vụ Internet ở Việt Nam hiện nay có tính thị trường rất rõ, rất cạnh tranh và giá dịch vụ đã ở mức thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
“Với từng loại dịch vụ, cơ quan quản lý đã có những quy định về chất lượng dịch vụ, có cơ chế hậu kiểm và giám sát. Còn ở góc độ thị trường, ISP nào cũng muốn đảm bảo dịch vụ để giữ khách hàng và kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt, với sự tăng trưởng thuê bao 4G, nhu cầu về băng thông rộng sẽ kéo theo tăng trưởng dung lượng Internet quốc tế rất cao, người sử dụng sẽ càng ngày càng đưa ra yêu cầu cao hơn về chất lượng và độ ổn định của dịch vụ. Các ISP và các nhà viễn thông sẽ phải thích ứng với sự dịch chuyển của thị trường”, đại diện VIA nêu ý kiến.
Trong trao đổi với ICTnewshồi trung tuần tháng 1/2017, thời điểm cả 3 tuyến cáp quang biển quốc tế mà các ISP Việt Nam đang khai thác, sử dụng là AAG, IA và APG liên tiếp gặp sự cố, ông Vũ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT đã cho rằng, để đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ Internet tại Việt Nam thì việc thiết lập nhiều hướng quốc tế khác nhau, có phương án dự phòng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, VNNIC cho rằng một vấn đề quan trọng là phải tăng cường phát triển Internet trong nước, cụ thể là tăng cường kết nối với Trạm trung chuyển Internet quốc gia; trạm VNIX tăng cường các kết nối peering giữa các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức; đồng thời cũng phải tập trung phát triển nội dung, dịch vụ trực tuyến trong nước để xây dựng một hạ tầng, dịch vụ Internet trong nước mạnh, phát triển kinh tế của đất nước, tránh lệ thuộc, trả tiền cho bên ngoài.