XEM VIDEO:
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên cùng đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc vừa có chuyến thăm Việt Nam rất thành công. Trong 28 tiếng tại Hà Nội, nhà lãnh đạo Trung Quốc và đoàn đã có hàng loạt cuộc gặp, hoạt động quan trọng với lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Việt Nam đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và đoàn những nghi thức đón tiếp trang trọng nhất, đặc biệt, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em. Chuyến thăm là sự kiện chính trị đối ngoại đặc biệt quan trọng với hai Đảng, hai nước.
Tân Hoa Xã dẫn lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi chia tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 13/12, khẳng định "chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam là đỉnh cao thành công của nỗ lực ngoại giao Trung Quốc vào năm 2023".
Trong bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước bước vào giai đoạn mới, cùng với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2022), chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Ngoài ra còn củng cố tin cậy chính trị, góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước; tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều khẳng định coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược; ủng hộ nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa phát triển lớn mạnh, đóng góp ngày càng quan trọng hơn vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Trung Quốc kiên định ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
CỘNG ĐỒNG CHIA SẺ TƯƠNG LAI
Tuyên bố chung với 5 nội dung chính về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Trong đó đáng chú ý, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng, lý tưởng niềm tin tương thông, con đường phát triển gần gũi, cùng chung chí hướng, chia sẻ tương lai chung, đều nỗ lực vì nhân dân hạnh phúc và đất nước giàu mạnh, nỗ lực vì sự nghiệp cao cả hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân sáng 12/12 ngay trước thềm chuyến thăm, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định "Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược: Mở ra trang sử mới chung tay hướng tới hiện đại hóa".
Hai nước cũng đề ra từng nhóm vấn đề hợp tác trong giai đoạn mới.
Tin cậy chính trị cao hơn: Để tập trung nắm bắt phương hướng phát triển của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị.
Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn: Đây là một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong việc củng cố tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nước. Để bảo vệ an ninh của nước mình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới, hai bên nhất trí tăng cường các cơ chế hợp tác về quốc phòng, công an, an ninh, tòa án tối cao, viện kiểm sát tối cao, nghiên cứu xây dựng cơ chế giao lưu giữa các cơ quan tư pháp tương ứng của hai nước.
Hợp tác thực chất sâu sắc hơn: Kiên trì hợp tác cùng thắng, phục vụ sự phát triển của hai nước, thúc đẩy kinh tế khu vực và thế giới phục hồi, tăng trưởng bền vững, hai bên sẽ tăng cường các cơ chế hợp tác tương ứng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đầu tư ngành nghề, thương mại, nông nghiệp, tài chính tiền tệ; nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, cơ quan giao thông vận tải.
Nền tảng xã hội vững chắc hơn: Tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị, thúc đẩy giao lưu và hiểu biết, gắn bó lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, củng cố nền tảng xã hội của quan hệ hai Đảng, hai nước. Hai bên sẽ tăng cường các cơ chế giao lưu giữa cơ quan tuyên giáo/tuyên truyền của hai Đảng, truyền thông chủ lực và các nhà xuất bản, giữa các cơ quan văn hóa, du lịch, thanh niên và địa phương.
Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn: Hai bên nhất trí kiên trì phát huy chủ nghĩa đa phương, tăng cường phối hợp và hợp tác đa phương, cùng nhau bảo vệ hệ thống quốc tế lấy Liên Hợp Quốc làm hạt nhân và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.
Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn: Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Nhân dịp này, các bộ, ngành, địa phương của hai bên đã ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đây là một số lượng văn kiện lớn và hiếm có trong một chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài đến Việt Nam.
Trong đó có 4 văn kiện thuộc chính trị - đối ngoại được ký giữa các ban Đảng và Bộ Ngoại giao hai nước, 4 văn kiện hợp tác an ninh - quốc phòng về phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp. 24 văn kiện về hợp tác trên các lĩnh vực thực chất cấp chính phủ, cấp bộ và cơ quan, 4 văn kiện hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Ảnh trái: Một nhân viên vận chuyển sầu riêng từ Việt Nam để chờ thông quan tại cảng Hữu nghị ở Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) tháng 9/2023 - Ảnh phải: Người dân tham quan gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 6 ở Thượng Hải (Trung Quốc), tháng 11/2023. Ảnh: Tân Hoa Xã
Từ đây các bộ, ngành, địa phương hai nước tiếp tục triển khai hợp tác một cách hiệu quả trong những năm tiếp theo, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững.
Tuyên bố chung và việc ký kết 36 văn kiện hợp tác đã phản ánh một cách chân thực và sinh động về tầm vóc cũng như mức độ gắn kết của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Thành quả từ cam kết hợp tác đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của hai Đảng, hai nước trong đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ 2 nước. Như Tân Hoa xã bình luận: "Với khát vọng và nỗ lực chung, con tàu hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam sẽ tiếp tục "cưỡi gió, đạp sóng" để tiến về phía trước, vì lợi ích của nhân dân hai nước.