Với nhiều tiện ích đem lại, thẻ ngân hàng đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người. Không chỉ vậy, hiện nay việc mở thẻ cũng vô cùng đơn giản, có thể mở online mà không cần đến tận phòng giao dịch như trước đây. Chính vì vậy, một người có thể sở hữu rất nhiều thẻ ATM của nhiều ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã lâm vào cảnh éo le khi tự nhiên có thể những khoản nợ từ những thẻ ATM, Visa, thẻ tín dụng mà không thường xuyên được sử dụng.
Trường hợp của anh Minh Tiến (Hà Nội) cho biết năm 2019, anh quyết định mở thêm thẻ ở ngân hàng V để nhận lương. Nhưng sau đó một thời gian anh Tiến có chuyển công tác và cũng không dùng gì đến chiếc thẻ đó nữa. Bẵng đi một thời gian dài, một ngày nọ, anh Tiến nhận được thông báo thu hồi nợ từ phía ngân hàng, yêu cầu thanh toán 180 nghìn đồng tiền phí quản lý tài khoản. Lúc này anh mới ngã ngũ thì ra thẻ của mình vẫn "hoạt động ngầm" trong suốt thời gian qua.
"Mấy năm nay tôi không dùng thẻ, dịch vụ ngân hàng nhưng lại bị thu tiền thì nghe thật vô lý" – anh Tiến chia sẻ.
Ngoài ra cũng có không ít người dễ dàng gật đầu với những lời chào mời mở thẻ vì nghĩ "có mất gì đâu, cứ mở nhiều ngân hàng biết đâu sau này cần vì cùng lắm thì cũng chỉ mất vài đồng tiền phí duy trì". Theo con số thống kê từ NHNN, con số cập nhật mới nhất tính đến giữa năm 2021, có khoảng 110 triệu thẻ đang được lưu hành, ứng với 66% dân số trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi người trưởng thành ở nước ta sẽ có từ 2-3 thẻ ngân hàng. Nhưng liệu tất cả mọi người có dùng hết số thẻ mà mọi người đang sở hữu hay không?
Về nguyên tắc, việc khách hàng không sử dụng và phát sinh giao dịch trong một thời gian dài, thẻ không hoạt động thì ngân hàng sẽ tiến hành khóa thẻ. Đây là việc làm của ngân hàng nhằm tránh tình trạng thẻ ảo gây lãng phí tài nguyên. Tuy nhiên thời gian sau bao lâu ngân hàng tiến hành khóa thẻ ở mỗi nhà băng lại khác nhau. Do vậy, dù không sử dụng dịch vụ nhưng nếu thẻ của người dùng chưa được ngân hàng chủ động khóa, hoặc khách hàng yêu cầu ngân hàng khóa thì mọi chi phí phát sinh như phí thường niên đều phải được chi trả bình thường.
Còn riêng trường hợp đặc biệt đối với thẻ tín dụng, không có quy định nào tạm khóa tài khoản ngân hàng khi không sử dụng loại thẻ này. Người dùng vẫn phải đóng phí thường niên cho ngân hàng. Nếu không đóng phí này sẽ dẫn đến tình trạng nợ xấu của khách hàng với ngân hàng.
Cách đây 3 năm, anh P.N.K (Hà Nội) được mời chào mở thẻ tín dụng miễn phí. Sau khi nhận thẻ, anh K không có nhu cầu nên cũng không dùng đến. Sau đó, anh nhận được thông báo nợ từ phía ngân hàng với 1 triệu đồng tiền phí duy trì. Anh K đã thanh toán khoản nợ này nhưng gần đây anh tiếp tục nhận được thông báo từ công ty thu hồi nợ rằng mình còn 230 đồng đã quá hạn thanh toán 2 năm.
Theo quy định, khi bị nợ xấu trong nhóm 3,4,5; khách hàng sẽ không được vay vốn tại các ngân hàng hay một công ty tín dụng nào khác. "Chỉ vì 230 đồng mà tôi bị xếp vào nợ nhóm 5 trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Nếu muốn vay, tôi phải hoàn tất hết nợ và chờ ít nhất 5 năm để CIC xóa thông tin nợ xấu khỏi hệ thống" – anh T cho hay.
Tình trạng này không chỉ gây ra bởi nguyên nhân do khách hàng chủ quan, mà còn bởi sự dễ dãi của ngân hàng trong việc phát hành thẻ. Việc phát hành thẻ thành công nhưng không tương xứng với số lượng người sử dụng không tương xứng với lượng thẻ phát hành là do các ngân hàng chạy theo chỉ tiêu về số lượng, nhân viên tìm đủ cách chào mời để khách hàng mở thẻ.
Phát hành thẻ dễ dãi, đặc biệt là thẻ tín dụng có thể khiến khách hàng mất khả năng thanh toán, rơi vào vòng xoáy nợ nần, làm gia tăng nợ xấu của ngân hàng. Do vậy, người dùng cần lưu ý không nên mở quá nhiều thẻ cùng một lúc. Trước khi mở thẻ nên tìm hiểu kỹ các thông tin như: lợi ích, tính năng, biểu phí của từng loại thẻ. Bên cạnh đó, khi không có nhu cầu sử dụng, khách hàng cần chủ động liên hệ với ngân hàng để làm thủ tục khóa thẻ hoặc hủy thẻ để tránh các loại phí phát sinh.
(Theo Nhịp sống kinh tế)