- Chúng tôi đến thăm vợ chồng ông vào một buổi chiều cuối năm. Sau cơn mưa trái mùa, con đường vô cùng lầy lội. Nơi đây không có điện, muỗi vo ve từng đàn trên đầu... Họ đã sống thế nhiều năm qua.
Tổ ấm dưới gầm cầu
Túp lều của ông Nguyễn Văn Ta và bà Nguyễn Thị Thúy (đều 49 tuổi) nằm ngay dưới gầm của một cây cầu đang xây dựng dở dang. Cây cầu này là một trong những hạng mục nằm trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM).
Nằm sát mép ngoài của cây cầu, túp lều được che chắn bằng những trụ gỗ, vây quanh bởi tấm bạt đơn sơ, cạnh đó là những vũng nước đen ngòm.
Mặt đất nơi ông ở không bằng phẳng mà nhiều hố, hầm đầy nguy hiểm.
Vợ chồng ông Ta trên công trường |
Vượt qua con đường lầy lội một cách khó khăn, chúng tôi bước vào túp lều của họ. Ông đang tranh thủ nấu cơm. Cái bếp cách túp lều vài mét, là chiếc kiềng đơn giản với những tấm phên chắn gió bao chung quanh...
"Tôi phải nấu nhanh trước khi trời tối. Ở đây không có điện chúng tôi phải đốt đèn cầy và không có nước phải vận chuyển từ xa", ông Ta nói.
Mâm cơm bày lên được soi sáng bằng ngọn đèn cầy leo lét. Với một tô canh nóng, chén nước mắm, hai vợ chồng ông ngồi vào bắt đầu bữa ăn.
Đường vào nơi ở của vợ chồng họ khá lầy lội |
Trời sắp tối. Trên đỉnh đầu ông bà và cả chúng tôi, tiếng muỗi đã vo ve. "Ở đây là vậy đó. Nước tù đọng quá nhiều làm sao khỏi muỗi?", ông giải thích.
Ăn xong, ông ra ngoài bù khú với anh em bảo vệ hoặc có khi lên cầu Thủ Thiêm dạo mát đến hơn 20 giờ thì về ngủ. Cuộc sống của họ như thế đã 2 năm nay.
"Tết, ba mua cho con trái sầu riêng"
Bà Thúy trở về giường khoe bức ảnh khá lớn. "Ba đứa con gái của tôi đó. Sống với nhau hơn 20 năm nay, có được 3 người con, chúng tôi đi làm xa nhớ lắm nên mới làm khung hình này để nhìn chúng mỗi ngày", bà tươi cười nói với chúng tôi.
Ông Ta sinh ra và lớn lên trên đất Campuchia. Năm ông 20 tuổi ông và gia đình trở về huyện Tân Hồng, Đồng Tháp với 2 bàn tay trắng. Tại đây ông gặp bà Thúy và nên nghĩa vợ chồng.
Ông Ta nấu cơm cho bữa chiều |
Những đứa con lần lượt ra đời luôn là gánh nặng đè trên đôi vai của họ. Vợ chồng ông làm đủ nghề để mưu sinh trong đó nhiều nhất là đi phụ hồ. Bởi ông bà luôn xa nhà nên 3 đưa còn đều gửi nhờ nhà ngoại nuôi.
Hai năm trước, ông bà xin vào làm lao động phổ thông ở công trình này. Ông nói, không phải là cơ quan không bố trí chỗ ở nhưng sống tập thể thường xuyên nhậu nhẹt, đâu còn tiền để gửi về nuôi con.
Vì thế họ phải che tạm nơi đây để vừa có chỗ ở, vừa tiết kiệm được khoản tiền thuê phòng trọ.
Bữa cơm chiều của người tha hương |
Thu nhập cả 2 ông bà được khoảng 8 triệu. Với số tiền này, ông bà giữ lại một ít để sinh sống còn lại gửi về nuôi con. 2 trong 3 con của họ hiện đang học lớp 11 và lớp 5.
Ông nói: "Sắp Tết, vợ chồng tôi cố gắng làm để có chút tiền thưởng Tết. 23 tháng Chạp, vợ chồng tôi sẽ về quê sum họp với các con.
Mới đây con bé út gọi điện lên hỏi sao ba má chưa về? Tôi nhớ nó quá hỏi nó tụi con muốn gì ba má mua về cho. Nó trả lời rất hồn nhiên: 'Ba mua cho 3 chị em con trái sầu riêng là được rồi'. Nghe đến đây khóe mắt tôi cay cay".
Trần Chánh Nghĩa