“Giấc ngủ đông” của bộ máy công chức Việt kéo dài đến tận bây giờ, chỉ bị đánh thức khi thách thức hội nhập của quốc gia đã nhãn tiền.

“Thợ may ăn vải- thợ giấy ăn hồ”   

Cứ tưởng câu thành ngữ dân gian chỉ ứng với cung cách làm ăn nhỏ, hoặc ứng với kinh tế một thời bao cấp khốn khó, hóa ra Tết Dương lịch năm mới 2016 vừa qua, khối nhân viên của các công ty, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn buộc phải chấp nhận “ứng nghiệm” một cách bất đắc dĩ.

Đó là xung quanh chuyện thưởng Tết.

Báo Giao thông ngày 02/1 cho biết, thay vì sử dụng tiền mặt như thông thường, nhiều doanh nghiệp sử dụng tương ớt, quần đùi... để thưởng cho nhân viên sau một năm làm việc.

Quả là nhận quà Tết mà muốn dở khóc, dở cười! Và cứ theo thành ngữ thợ may ăn vải, thợ giấy ăn hồ mà… lĩnh.

{keywords}

 Độc đáo và bản sắc không kém là một công ty dệt may quận Hoàng Mai- HN thưởng Tết mỗi nhân viên tới 70 chiếc quần đùi. Và thế là Tết này, anh mặc, em mặc, con chúng ta mặc, và biết đâu… hàng xóm cũng mặc.

Nhưng hài hước nhất, không biết mếu hay cười, là công ty truyền thông T.V thưởng tới 30 bịch giấy vệ sinh cho nhân viên ăn Tết. Còn một công ty ở t/p HCM lại thưởng Tết cho mỗi nhân viên một thùng tương ớt. Riêng lãnh đạo thưởng lớn hơn, mỗi người hai thùng. Đúng là ăn Tết… cay hơn ớt!

Đến nỗi nhà báo Đào Tuấn, trong một bài viết, cứ phân vân, nếu vậy thì “công ty” 125 Phùng Hưng- HN Tết đến, sẽ thưởng nhân viên bằng gì?

Thời kinh tế thị trường phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Nhưng sự phân hóa giàu nghèo đó không chỉ phản chiếu ở mức sống, mà còn phản chiếu ở ngay mức thưởng Tết, phản chiếu cả năng lực kinh doanh “giàu, nghèo” của mỗi ông chủ.

Thế nên, bên cạnh các công ty thưởng gạch, nhang thắp, tương ớt, quần đùi, giấy vệ sinh…, thì cũng có những công ty thưởng Tết rất lớn, trong dịp Tết Âm lịch sắp tới. Tỷ như có công ty tại Q. Bình Tân (t/p HCM) công bố mức thưởng Tết cao nhất đến 320 triệu đồng/ người (Người Lao Động, ngày 28/12/2015). Nhưng chưa ăn thua gì, so với mức thưởng 600 triệu đồng, thuộc về một DN tư nhân. Quả là mức thưởng Tết “khủng” ai cũng phải thèm. Kể cả người viết bài này (!)

Cũng không phải chỉ có nước Việt mới đa dạng cách thưởng Tết. Để tri ân nhân viên làm việc tích cực, một công ty về công nghệ ở Trung Quốc, ngoài số tiền thưởng khủng cho nhân viên, các sếp của công ty này còn quỳ gối, rửa chân và massage chân cho 03 nhân viên tích cực nhất, có nhiều đóng góp cho công ty, được mời ngồi trên ghế cao, trước sự chứng kiến của các nhân viên khác (Báo Giao thông, ngày 30/12/2015).

Mặt khác, phải thấy rằng, tiền thưởng Tết Âm lịch là khoản tiền dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nhưng thực tiễn cho thấy tiền thưởng Tết Âm lịch ở nhiều công ty bao giờ cũng tăng hơn hẳn Tết Dương lịch. Cứ đà ngày, người viết bài trộm nghĩ, Tết Âm lịch này, có lẽ nhân viên các công ty thưởng tết bằng gạch, quần đùi, tương ớt…, hẳn sẽ chỉ gặp và chúc Tết nhau ở …. ngoài chợ?

Suýt nữa được “quên nghèo khó”

Cũng là chuyện Tết Âm lịch sắp tới!

{keywords}

Người viết cứ tưởng phát ngôn ấn tượng của ông P.Đ. L, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy HN: Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó, chỉ là phát ngôn bởi dư luận ầm ĩ về phát ngôn này khiến cho trận pháo hoa năm 2015 đã không được thực hiện, và chỉ mang ý nghĩa cái đẹp “dư âm”. Thì  mới đây, phát ngôn này lại có khả năng thành hiện thực ở một huyện cũng đang muốn quên … nghèo khó

Đó là huyện Thới Bình (Cà Mau), một huyện mà Chủ tịch huyện- ông Trần Văn Dũng- vừa ký văn bản “cầu cứu” 17 tỷ đồng, trả nợ ngân sách sự nghiệp giáo dục của huyện (VietNamNet, ngày 05/01).

Chữ ký cầu cứu 17 tỷ đồng không biết đã kịp khô mực chưa, thì ông Dũng lại ký tiếp một văn bản đóng dấu “khẩn” tươi roi rói gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu vận động xã hội hóa, nhưng lại có những con số rất cụ thể số tiền mỗi đơn vị phải đóng góp, để bắn pháo hoa phục vụ Tết Âm lịch Bính Thân-2016 sắp tới, vị chi tất cả là 200 triệu đồng.

Hẳn ông Chủ tịch huyện cũng muốn dân Thới Bình, những lúc thưởng thức pháo hoa, giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó trong chốc lát.

Thế nhưng, xem chừng sự băn khoăn của người dân “huyện nhà” và dư luận phản đối của XH còn “khẩn” hơn.

Chả nói đâu xa, ngay những cán bộ hợp đồng ở một số xã của huyện Thới Bình, thuộc diện phải đóng góp 50.000 đồng để diễn ra cuộc pháo hoa quên nghèo khó, cho biết, mỗi tháng chỉ họ lĩnh vỏn vẹn 1 triệu 50 nghìn đồng, riêng việc chi 50 nghìn đồng cũng tương đương gần 02 ngày lương. Có người thốt lên: Đã không có tiền Tết còn sắp bị vận động tiền pháo hoa, không biết gia đình tôi có Tết nữa không!

Chưa kịp quên nghèo khó bởi được xem pháo hoa, nỗi lo không có tiền sắm Tết đã “nở” nhãn tiền.   

Có lẽ, dư luận báo chí, các trang mạng XH ồn ào chê trách và cũng nở như …pháo hoa khiến huyện ủy Thới Bình kịp thời xử lý thông tin. Được biết, mới đây, Thường trực Huyện ủy Thới Bình đã kiểm điểm nhắc nhở ông Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Dũng nghiêm túc rút kinh nghiệm việc ra văn bản xã hội hóa đốt pháo hoa.

Thế là chưa kịp quên, người dân Thới Bình đã phải “nhớ” cái nghèo, cái khó của mình.

Nhưng nhớ để hành động mà thoát nghèo thoát khó. Bởi không thể trông chờ vào cái “đẹp ảo”, dù đó là…. pháo hoa.

Công chức đóng dấu- công chức cắp ô và…

Có thể nói, năm cũ 2015 là năm mà đòi hỏi cải cách hành chính được đặt ra rất bức thiết. Nhưng xem ra bước chân của công cuộc này quá… khiêm nhường. Thế nên mới bước vào đầu năm mới 2016, vấn đề này lại được bàn đến, phản chiếu bức xúc của dư luận XH.

{keywords}

Không bức xúc sao được nếu biết rằng, số công chức cả nước có đến 2,8 triệu người, nhưng trong đó, theo Phó TT Nguyễn Xuân Phúc, có đến 30% (khoảng 840.000 người) thuộc diện sáng cắp ô đi tối cắp về. Còn thống kê của Bộ Nội vụ cho biết, 05 tháng cuối năm 2015, cả nước chỉ tinh giản được 5000 biên chế. Vậy để tinh giản được 840.000 công chức nói trên, cứ theo tiến độ tà tà này, phải mất 840 tháng, tương đương … 70 năm nữa (Dân trí, ngày 25/12/2015).

Tinh giản công chức đã khó, số lượng quan chức (cấp phó), nói theo cách nói của dân kinh tế, lại “bội chi”. Theo VietNamNet, ngày 07/1, chỉ riêng ngành NN& PTNT, ở cấp sở, tỉnh Nghệ An “bội chi” 03 vị, Thanh Hóa 03 vị, Hà Tĩnh 04 vị… Đó mới chỉ ở ba tỉnh khảo sát được trong số 64 tỉnh, t/p cả nước, và của riêng ngành NN& PTNT. Còn bao nhiêu cấp phó “bội chi”, chưa tính được? Dĩ nhiên, đi kèm đó là chế độ, chính sách, lương bổng theo quy định.

Và điều này mới là quan trọng, chất lượng công chức rất “kỳ”.

Cái sự “kỳ” này nó vừa cụ thể vừa rất đa dạng.

Tỷ như theo Đất Việt, ngày 06/1, tỉnh Đồng Tháp tổ chức sát hạch 1200 công chức thuộc năm chức danh trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường. Kết quả bất ngờ nhất là t/p Sa Đéc, nơi có điều kiện thuận lợi hơn hẳn các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, lại…. đội sổ, bởi có tới 49 % công chức không đạt yêu cầu. Và cái sự trượt vỏ chuối này lại rơi vào câu hỏi cực đơn giản: “Theo quy định của Bộ Nội vụ thì dấu được đóng như thế nào?” (đóng ngay ngắn, rõ ràng, trùm lên 1/3 chữ ký về phía trước, mực dấu màu đỏ tươi), nhưng số câu trả lời sai rất lớn.

Như vậy, chỉ riêng nhiệm vụ “cộp” một cái, nhiều công chức cũng không biết “cộp” theo quy định. Chả lẽ phải cầm tay?

Nói chi đến chuyện soạn thảo văn bản theo những quy định của pháp luật, làm cơ sở cho việc người dân, các ngành, các doanh nghiệp thực hiện chủ trương, chính sách nhà nước.

Trước đó, tháng 7/2015, dư luận XH đã ngơ ngẩn trước báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, chỉ riêng năm 2014, đã phát hiện 6.872 văn bản vi phạm quy định của CP trong số 1.255.808 văn bản mà các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã tự kiểm tra. Đáng chú ý, rất nhiều văn bản trái quy định, sai thẩm quyền làm ảnh hưởng tới đời sống của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và những cá nhân. Như tỉnh Nghệ An: 1.553 văn bản, Quảng Ninh: 431 văn bản, Thừa Thiên - Huế: 359 văn bản, Hải Dương: 326 văn bản...Ngay cả các bộ - cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chính phủ - cũng không chịu kém. Như Bộ Giáo dục& Đào tạo 04 văn bản, Bộ Nội vụ 02 văn bản, Bộ LĐ-TB-XH 01 văn bản (Lao động, ngày 10/7/2015).

Đáng chú ý nữa, cũng chả công chức nào phải chịu xử lý vì những văn bản trái pháp luật. Bởi đã có các doanh nghiệp, các ngành và người dân … chịu hộ!

“Bà mẹ cơ chế” và sự sai lầm

Nhìn ra căn nguyên của hiện tượng các loại công chức cắp ô không khó. Dư luận XH, các nhà quản lý, các ĐBQH cũng từng chỉ ra gốc gác sinh nở ra loại công chức …. thiếu cả năng lực lẫn trách nhiệm này. Họ có lỗi đã đành, nhưng lỗi lớn nhất là do “bà mẹ cơ chế” đã dung dưỡng không đúng.

{keywords}

Về phía các nhân sự, tâm lý số đông khi xin việc làm đều mong muốn có được một suất biên chế trong cơ quan nhà nước. Tâm lý này là sản phẩm chính danh của thời bao cấp, vừa giải quyết khâu oai- “cán bộ nhà nước”- vừa bảo đảm các chế độ chính sách ổn định. Chưa nói đến những bổng- lộc- lậu, do cơ chế thiếu công khai, minh bạch còn nhiều đất sống lâu, sống khỏe…

Nói cho công bằng, tâm lý đó không sai, vì nơi đâu có lợi con người có quyền chọn lựa. Nhưng cái dở gốc rễ nằm ở chính cung cách quản lý và tư duy chiến lược trong phát triển kinh tế XH:

Đó là chất lượng đào tạo các trường tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này chưa tương xứng với đòi hỏi thị trường lao động.

Đó là cơ chế tuyển vào mà không sàng lọc, có đầu vào không có đầu ra, mặc cho các ngành, các lĩnh vực, đâu đâu cũng không thiếu cảnh thằng còng làm cho thằng ngay ăn.

Khi công cuộc Đổi mới cơ chế quản lý bắt đầu, cách đây 30 năm, đã từng có lúc chủ đề sàng lọc công chức, hợp đồng dài hạn thay cho biên chế được cả XH quan tâm. Tuy nhiên, không rõ vì sao, chủ trương này ồn ào một thời rồi…. ngủ mất. “Giấc ngủ đông” của bộ máy công chức Việt kéo dài đến tận bây giờ, chỉ bị đánh thức khi thách thức hội nhập của quốc gia đã nhãn tiền. Khi năng suất lao động của người Việt bị xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (năm 2013), thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia năm lần, Thái Lan 2,5 lần (Nhịp cầu đầu tư, ngày 15/10/2015), thì một lần nữa, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công chức Việt mới lại được lay tỉnh.

Gắn với cơ chế tuyển vào, có không hiếm hiện tượng “chạy” công chức, không hiếm cung cách ban phát xin- cho tiêu cực, không hiếm hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” mà câu chuyện công chức 100 triệu dạo nào ở HN, hay những chữ ký “bút sa hoa hồng nở” mới đây của nhiều quan chức các tỉnh thành là minh chứng sinh động. Cải cách hành chính, ở góc độ nào đó, cũng là góp phần quan trọng phòng chống quốc nạn tham nhũng đang hoành hành ở ngay chính các công đường.

Đó là sự “phát phì” nhưng ốm yếu của bộ máy công chức, từ nhân sự lao động đến quản lý, có nguyên nhân từ chủ trương tách- nhập, nhập- tách bộ máy các ngành, các lĩnh vực cho tới đơn vị hành chính địa phương. Mỗi lần xáo trộn, xê dịch như vậy, là một lần công tác nhân sự “bội chi”, nhất là bộ máy quản lý cấp phó. Hiện tượng các sở NN& PTNT ở các tỉnh miền Trung nói trên chỉ là một vài tỉnh được phát hiện mà thôi.

Hệ lụy của thực trạng “công chức suốt đời” theo cách nói của các ĐBQH là rất đáng ngại. Bởi đó là “vật cản” cho sự phát triển, ở một quốc gia vốn đã có quá nhiều vật cản, từ tư duy, nhận thức đến tầm nhìn chiến lược.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia nội vụ cho rằng, cần chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở Luật Công chức mới. Phải xây dựng một nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, thay thế cho nền hành chính cai quản, giảm tối đa chế độ biên chế nhà nước sang hợp đồng “có thời hạn”.

Liệu một nền công vụ, một nền hành chính hiện đại và chuyên nghiệp có sẽ nảy nở đem đến sinh khí mới cho XH, cho dù Tết chưa đến, mùa xuân chưa về- được không?

Hãy đợi đấy!

Kỳ Duyên