Theo tờ Washington Post, trong chuyến thăm vào tuần trước tới Căn cứ Không quân Keflavík tại Iceland, ông Brown cho hay: "Mỹ đang theo dõi chặt chẽ Nga không chỉ xung quanh Ukraine, mà còn trên toàn thế giới".
"Hoạt động gia tăng của tàu ngầm Nga ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực là lời nhắc nhở rõ ràng về mối đe dọa đối với NATO từ Nga không chỉ giới hạn ở Ukraine và Đông Âu", Newsweek dẫn lời bà Emma Salisbury tại tổ chức nghiên cứu Council on Geostrategy có trụ sở tại Anh.
Cũng theo bà Salisbury, "mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Mỹ và Iceland đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo có thể ứng phó với mối đe dọa này”.
Giới chức Mỹ và Iceland nhận định, chuyến thăm của ông Brown tới Keflavík cho thấy các hoạt động của Lầu Năm Góc ở vùng High North tại Bắc Cực đã có sự thay đổi vì xung đột ở Ukraine. Các máy bay P-8 Poseidon của Mỹ cũng đang hoạt động ở căn cứ Keflavík, và làm nhiệm vụ theo dõi tàu ngầm Nga.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, các tàu ngầm, một bộ phận quan trọng thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga, đã bị phát hiện di chuyển theo "những tuyến đường lạ", và xuất hiện gần bờ biển Mỹ.
Mỹ lâu nay coi Nga mà cụ thể là Hạm đội phương Bắc là "mối đe dọa cấp tính" ở Bắc Cực. Trên thực tế, Nga là nước duy nhất trong 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực, nhưng không phải là thành viên NATO. Hiện tại, Nga đang duy trì sự hiện diện quân sự lớn nhất trong khu vực. Các tàu của Hạm đội phương Bắc của Nga cũng đang thống trị vùng High North tại Bắc Cực.
Washington đã chỉ trích cái mà họ gọi là "yêu sách quá mức của Moscow ở Bắc Cực". Tuy nhiên, hồi tháng 9, Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhấn mạnh Nga "sẵn sàng" bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực.