Trong phần trước, GameSao đã đưa người đọc đi tới tương lai của video game vào năm 2024 cùng sự tiến bộ của ngành công nghệ thực tế ảo. Và trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng đi xa hơn một chút để dự đoán xem nền công nghiệp game của chúng ta còn có thể tiến xa đến nhường nào. Sau đây là chủ đề của chúng ta ngày hôm nay: Đồ họa siêu thực trong năm 2034.

Thế giới "siêu thực"

Trong năm 2034, chúng ta có thể sẽ làm được rất nhiều thứ đối với thế giới ảo trong game, và các thế giới được tạo ra sẽ ngày càng tuyệt vời hơn. Như thế nào là tuyệt vời? Ít nhất, nó sẽ khiến bạn khó có thể phân biệt được với thế giới thực.

Điều này nghe có vẻ giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng phải không? Thế nhưng suy nghĩ này hoàn toàn là có thể nếu bạn nhìn lại quá khứ phát triển 20 năm qua của ngành đồ họa. Các hình ảnh dưới đây là ảnh chụp màn hình của Final Fantasy VI (1994) và The Witcher 3 (2014), và nhìn vào rất nhiều thể loại RPG khác, có thể nói rằng sự tương phản giữa công nghệ đồ họa bây giờ và 20 năm sau sẽ giống như vậy.

 

Thực tế, việc tạo nên một thế giới đồ họa siêu thực trong các trò chơi không cần áp dụng quá nhiều công nghệ, mà hoàn toàn dựa vào công sức của các nhân viên đồ họa theo cách truyền thống. Việc này đòi hỏi khá nhiều thời gian và tiền bạc. Rất may, vấn đề này đã có một số giải pháp tiềm năng: đó là việc tận dụng công nghệ chụp ảnh tiên tiến, các nhà phát triển game có thể về cơ bản "sao chép" một cảnh quan "thật" và để cho phần mềm máy tính làm công việc chuyển dữ liệu "quét" vào các mô hình 3D.

Cho đến nay, có rất nhiều nhà phát triển đã áp dụng cách đó để tạo nên các thế giới trong game. Ví dụ, họ có thể chụp ảnh những cái cây "thật", sau đó sử dụng máy tính để tạo ra các mô hình mới và mô hình cây khác trong game dựa trên những gì mà họ muốn. Bằng cách này, nhà phát triển game có thể sở hữu một số lượng "dữ liệu" khổng lồ, độ trung thực cao mà không cần phải "thủ công" thiết kế tất cả.

…Nhưng

Việc các nhà phát triển có khả năng tạo ra các video game không thể phân biệt "thật-ảo" không có nghĩa tất cả trò chơi đều lấy từ "thật" cả. Phần lớn, có rất nhiều tựa game không hề sử dụng công nghệ chụp ảnh để ứng dụng vào công nghệ siêu thật đó, có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước hết, các nhà phát triển có thể không muốn tạo ra một thế giới "siêu thực". Chẳng hạn, bạn đang thực hiện một tựa game mô phỏng, siêu thực sẽ là tốt, nhưng nếu bạn đang thực hiện một trò chơi giả tưởng, một game plarformer kỳ cục, hay một game RPG bối cảnh vũ trụ, "siêu thực" không khiến nó tốt hơn. Trong năm 2034, chúng ta có thể được đắm mình trong những tựa game mô phỏng được xuất phát từ thế giới thực, nhưng cũng còn có rất nhiều sự lựa chọn khác với đa dạng thể loại, kể cả các tựa game có đồ họa thấp hơn.

Chắc chắn, đồ họa siêu thực sẽ không có tác dụng đối với tựa game như Okami.

Thứ hai, game thủ sẽ không muốn dành hầu hết thời gian vào một tựa game nhất định nào đó. Có rất nhiều lý do để game thủ có thể vẫn trung thành với các tựa game "đời cũ" như muốn làm lại ký ức, kỉ niệm tuổi thơ, hay đơn giản là muốn thư giãn với những gì ít phức tạp.

Sẽ không còn các hệ thống điều khiển?

Năm 2034, thậm chí game thủ sẽ có thể chơi game thông qua việc truyền các tín hiệu não bộ đến các nhân vật trong game. Bạn thấy điều này là viển vông ư? Nhưng hãy nhìn vào một tương lai khách quan hơn. Ví dụ, các nhà nghiên cứu từ một số trường đại học Mỹ đã làm một cuộc cấy ghép não bộ cho phép các bệnh nhân kiểm soát máy tính, TV và một con robot chỉ bằng suy nghĩ của mình. Và việc đó đã xảy ra vào năm 2006, thậm chí sau hơn 1000 ngày cấy ghép, các nhà nghiên cứu vẫn thấy rằng những bệnh nhân đó vẫn có khả năng "point-and-click" một cách chính xác khi kiểm soát một chiếc máy tính.

Nền công nghệ này hiện nay vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, và chắc hẳn đó là điều chúng ta sẽ không được chứng kiến trong thời đại này khi video game không hề nằm trong phạm vi nghiên cứu của nhóm. Họ chủ yếu muốn tìm hiểu rằng nền công nghệ này có thể cải thiện cuộc sống của những người có vấn đề về sức khỏe, khó khăn trong việc kiểm soát cơ thể như thế nào mà thôi. Và nếu không có gì thay đổi, một hệ thống như vậy với 20 năm phát triển tiếp theo sẽ có thể là một lợi ích tuyệt vời đối với các game thủ khuyết tật, những người gặp khó khăn trong việc sử dụng bàn phím và chuột thông thường.

Việc sử dụng trí não để tương tác liệu có thể trở thành xu hướng trong tương lai hay không?

Và tất nhiên, nhóm nghiên cứu này không phải là duy nhất đang tìm hiểu loại hình công nghệ này. Rất có khả năng trong tương lai, chúng ta có thể đạt tới thành tựu "sử dụng não bộ để tương tác trực tiếp với thế giới ảo".

Hướng đến một tương lai đầy hứa hẹn

Tương lai sẽ phát triển đến mức như thế nào, đó là điều mà không ai đoán trước được. Nhưng sự ra đời của các công nghệ "siêu thực" trong game và việc sử dụng tín hiệu não bộ con người tương tác với thế giới ảo vẫn là những điều đáng ngưỡng mộ và trông chờ. Và nếu những điều đó trở thành sự thật, chắc hẳn các chính phủ cũng sẽ có những chính sách đảm bảo rằng thế giới ảo không gây tác động nặng nề gì đối với cuộc sống con người, và con người cũng không nên từ bỏ thế giới thực mà đắm chìm vào thế giới ảo.

T.B